Vùng đất này ở Vĩnh Phúc bất ngờ thấy chim cò bay rợp trời, ngạc nhiên là nhìn xuống ao thấy cả thiên nga đen

Thứ sáu, ngày 28/04/2023 13:10 PM (GMT+7)
Cuối tuần, từ thành phố Vĩnh Yên, tôi thong dong gần 15 km về xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) tham quan vườn cò Phương Xô. Cách thành phố không bao xa, ấy vậy mà vườn cò đã đem đến cho tôi sự trải nghiệm thú vị bởi môi trường và sự gần gũi, thân thiện...
Bình luận 0

Vườn cò Phương Xô là nơi các loài chim hoang dã này tìm về đây cư trú. Với những giá trị thiên nhiên tuyệt vời cho thấy, mỗi người cần sự chung tay gìn giữ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh quê hương Vĩnh Phúc ngày càng tươi đẹp.

Bỏ phố về quê chung sống với …chim cò

Vào vườn cò Phương Xô ở xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) mà tôi ngỡ khu sinh thái thu nhỏ bởi cảnh quan vườn cây, ao cá được chủ nhà bố trí hài hòa, đẹp mắt.

Mô hình kinh tế V-A-C của ông bà Phương Xô có quy mô 5 ha, trong đó, diện tích mặt nước khoảng 3,5 ha, còn lại  chuồng trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ.

Bất ngờ hơn, tôi nhận ra vợ chồng ông bà Phương Xô - chủ mô hình là người mà thời trẻ từng làm thương nghiệp có tiếng và sinh sống ở thành phố Vĩnh Yên ngày trước. Khi về già lại lui về quê ở và làm bạn với đàn cò. Vợ chồng ông bà Phương Xô là chủ mô hình kinh tế V-A-C nên ngẫu nhiên nơi đây có tên là vườn cò Phương Xô.

Vùng đất này ở Vĩnh Phúc bất ngờ thấy chim cò bay rợp trời, ngạc nhiên là nhìn xuống ao thấy cả thiên nga đen - Ảnh 1.

Khunh cảnh nên thơ ở vườn cò Phương Xô mỗi khi từng đàn chim cò bay rợp trời. Vườn cò Phương Xô ở xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Bà Nguyễn Thị Phương tâm sự: “Xã Vân Xuân là quê hương của chồng tôi, năm 2003, vợ chồng tôi ra đây, đấu thầu khu ruộng này và đầu tư mô hình nuôi trồng thủy sản. Bấy giờ, ở đây là cánh đồng trũng, vợ chồng tôi bắt tay cải tạo 6 ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, lấy gỗ các loại như sưa, bạch đàn, măng bát độ, xoài… Khi cây lên xanh tốt cũng là lúc đàn cò về trú ngụ nhiều, đến nay dễ cũng được hơn 10 năm rồi”.

Gắn bó với vườn cây, ao cá và đàn cò đã lâu, nên ông bà Phương Xô ngày càng yêu mảnh đất quê hương mình. Cũng từ ấy, ông bà cho thuê nhà ở phố, về quê ở hẳn, thỉnh thoảng nhớ hàng xóm lại ra chơi rồi về.

Đưa tôi xuống khu vườn - nơi đàn cò trú ngụ, vừa đi, bà Phương vừa chắc mẩm: “Khả năng, thời điểm này cò đi ăn hết rồi, số cò “ở nhà” có lẽ không nhiều. Thông thường, chúng đi từ tảng sáng kiếm mồi, sẩm tối mới về tổ. Riêng cò đen, ngày chúng ngủ, tối lại đi ăn đêm. Mấy ngày nay, khu vực này có cả bìm bịp đến ở”.

Khu vực cò sinh sống, làm tổ nằm cách biệt hẳn với khu nhà và chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Phương. Nơi đây khá tĩnh mịch do ít người lui tới. Đang mải nghĩ ngợi, tôi giật mình bởi những tiếng lào xào vỗ cánh và tiếng đàn chim kêu quang quác của đàn cò trên đầu. Bấy giờ, bà Phương cũng khẽ ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Đàn cò đây rồi, hôm nay chúng vẫn ở nhà nhiều".

Qua tán cây, nhìn lên bầu trời tôi thấy bóng cò chao lượn. Chúng bay thành đàn, cứ đảo qua đảo lại không ngớt, có lúc đen đặc trên không nom thật sự thích mắt. Đáng tiếc là chiếc máy ảnh của tôi không phải là loại chuyên dụng nên không thể bắt cận cảnh được những hình ảnh chú cò trên đầu ngọn cây cao phía trên.

Theo bà Phương, ngoài cò thì khu vườn này cũng  rất nhiều vạc. Thông thường, cò có màu trắng, còn vạc màu nâu, to hơn con cò một chút. Chỉ tay vào căn nhà gỗ giữa vườn cây rậm rạp, bà Phương cho biết: “Căn nhà này lâu không có người ở nên cũng xuống cấp, tôi định sửa chữa lại nhưng các con ngăn lại, chưa cho làm vì sợ “động” đàn cò bay đi hết mà không về nữa. Năm nay, số lượng cò, vạc ít hơn mọi năm. Tầm tháng 5,6 cò đẻ trứng nhiều. Có thời điểm, gặp phải mưa rào, cò con mới mọc lông măng rơi đầy vườn, có khi nhặt được hàng bao tải, tiếc lắm".


Lo ngại trước sự an nguy của đàn cò

Để bảo vệ đàn cò, những năm qua, ông bà Phương Xô luôn cố gắng giấu, giữ kín thông tin và âm thầm trông nom. Tuy nhiên, với số lượng đàn cò lớn, sáng/tối dập dìu bay đi bay về qua các cánh đồng lúa không qua mắt được những tay thợ chuyên săn bắn chim trời. 

Bà Phương kể, có thời điểm, xung quanh nhà, nhiều tay săn bắn chim rình mò, phục suốt ngày đêm. Chúng bắn súng ì ùng khiến ai cũng khiếp sợ. Ông bà phải báo công an mật phục thu súng của một số đối tượng, chính điều đó dẫn đến vụ việc 6 ao cá của gia đình bị đánh thuốc do có đối tượng trả thù.

Vùng đất này ở Vĩnh Phúc bất ngờ thấy chim cò bay rợp trời, ngạc nhiên là nhìn xuống ao thấy cả thiên nga đen - Ảnh 2.

Vườn cò Phương Xô - Môi trường sinh thái lý tưởng cho cò, vạc trú ngụ. Trong vườn cò Phương Xô có cả các con thiên nga được thả nuôi, trong đó có thiên nga đen bơi lội dưới ao.

Không những thiệt hại về kinh tế, có thời gian, gia đình bà Phương phải thuê người đuổi thợ săn để bảo vệ đàn cò, nên chúng mới tạm yên tâm trú ngụ cho đến nay.

Có thể thấy, những năm gần đây, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự chăm sóc, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư của chủ trang trại, người dân địa phương nên nhiều loài cò từ các nơi về đây cư ngụ, tạo nên giá trị thiên nhiên, góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Để gìn giữ, bảo tồn các loài cò, loài chim hoang dã, di cư ở vườn cò Phương Xô và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắn, bắt, bẫy các loài chim hoang dã, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và bảo vệ các loài cò, loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với vườn cò Phương Xô, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các sở, ngành chức năng và địa phương hướng dẫn người dân quản lý, chăm sóc và bảo vệ; nghiên cứu hình thức hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc và bảo tồn các loài cò, loài chim hoang dã, di cư… theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tích cực đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư...

Hà Trần (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem