Ở "vựa" trái cây của Trung Quốc, cứ 4 quả cam trên thị trường thì có 1 quả đến từ Quảng Tây

P.V Thứ tư, ngày 31/05/2023 11:03 AM (GMT+7)
Tại tọa đàm Doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tổ chức tại TP.Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) chiều 30/5, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, ông Đỗ Nam Trung khẳng định, luôn coi người dân là trung tâm trong các hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Bình luận 0

Theo ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt – Trung đạt 14,2 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. 

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm trước đó.

"Năm nay, khi tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng, giao thương giữa hai nước được dự báo sẽ phát triển hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Đầu tiên phải nhắc tới xu hướng giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Tình hình thông quan sau đại dịch vẫn chưa đạt được thông suốt như trước đó. Cuối cùng là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hai bên trong tạo thuận lợi hóa tối đa cho doanh nghiệp chưa được thông suốt, kịp thời", ông Trung nói.

Ở "vựa" trái cây của Trung Quốc, cứ 4 quả cam trên thị trường thì có 1 quả đến từ Quảng Tây - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây Đỗ Nam Trung (trái) tham gia đoàn công tác của Bộ NNPTNT, do Thử trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn làm việc tại Nam Ninh. Ảnh: Cao Trần.

Đáng chú ý, theo ông Trung, một số mặt hàng tiềm năng của Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đó là bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, dứa.

Đối với tỉnh Quảng Tây, tỉnh này vừa có biên giới trên bộ, trên biển với các địa phương của Việt Nam. Giao thông đặc biệt thuận tiện với các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không để giao thương hàng hóa. 

Đại diện cho phía Trung Quốc, bà Hứa Cẩn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây khẳng định, những năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam luôn ổn định, "không ngừng đạt được đột phá mới". Các triển lãm, hội chợ nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN cũng đã tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp các bên.

"Tháng 4, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Tây đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tỉnh chúng tôi sang thăm, làm việc với các đối tác ở Việt Nam. Kết quả là hai bên đã ký kết 7 dự án nông nghiệp, tổng mức 10 tỷ NDT", bà Hứa cho biết.

Ở "vựa" trái cây của Trung Quốc, cứ 4 quả cam trên thị trường thì có 1 quả đến từ Quảng Tây - Ảnh 2.

Bà Hứa Cẩn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây khẳng định, những năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam luôn ổn định, "không ngừng đạt được đột phá mới". Ảnh: Cao Trần.

Giới thiệu về tiềm năng của Quảng Tây, bà Hứa cho biết đây là tỉnh nông nghiệp lớn của Trung Quốc, là vựa trái cây của quốc gia 1,4 tỷ dân. "Cứ 4 quả cam ngoài thị trường, thì có 1 quả đến từ Quảng Tây. Ngoài ra, hoa nhài, quả la hán, tơ tằm của Quảng Tây đứng thứ nhất Trung Quốc và thế giới. Cứ 10 bông hoa nhài được bán ra, thì có 6 bông của Hoành Châu, Quảng Tây. 85% quả la hán trên thế giới xuất phát từ Quế Lâm, Quảng Tây. 60% sản lượng tơ lụa ở Trung Quốc cũng từ Quảng Tây. Những điều này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác nông nghiệp giữa tỉnh chúng tôi với các địa phương của Việt Nam", bà Hứa Cẩn khẳng định.

Về kỹ thuật nông nghiệp, Quảng Tây phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hưng Yên của Việt Nam về giống cây trồng, phối hợp với các tỉnh biên giới của Việt Nam xây dựng trạm kiểm soát dịch bệnh. Bà Hứa bày tỏ hy vọng cơ quan quản lý, doanh nghiệp hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Hứa cho biết, ở chiều xuất khẩu sang Việt Nam, phía Trung Quốc hiện có thế mạnh về hành tây. Tỉnh Quảng Tây kỳ vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất nhập khẩu, công nhận tiêu chuẩn nông sản hai bên, tăng nhanh thời gian thông quan.

Hiện tại, Công ty TNHH Vạn Xuyên, Quảng Tây, đã xây dựng khu trình diễn trồng trọt, giới thiệu công nghệ nông nghiệp với Việt Nam. Ngành giống đang là hy vọng hợp tác phát triển với Việt Nam của doanh nghiệp Quảng Tây. Tỉnh này cũng sẵn sàng cùng các địa phương Việt Nam hợp tác trong cơ giới hóa nông nghiệp. 

Trong khi đó, Tổng lãnh sự Việt Nam tại thủ phủ Nam Ninh, Quảng Tây, ông Đỗ Nam Trung khẳng định: "Ngành ngoại giao Việt Nam luôn lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và các bộ ngành hai bên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem