OECD cảnh báo bùng nổ dịch virus corona đe dọa tăng trưởng

04/03/2020 11:23 GMT+7
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trầm trọng trong năm nay dù các chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế do chịu tác động từ dịch virus corona. Dù vậy, mức độ thiệt hại vẫn còn đang là câu hỏi để ngỏ, theo thông cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Theo viễn cảnh khả quan nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt mức 2,4%, thấp hơn so với mức dự đoán trước khi bùng nổ dịch virus corona là 2,9%. Mức độ chênh lệch này tương đương thiệt hại khoảng 400 tỷ USD.

Cảnh báo này được đưa ra khi thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn bùng nổ dịch virus corona ở nước này. Ông này cảnh báo số ca phơi nhiễm ở Anh có thể tăng đến chóng mặt. Chính phủ Anh sẽ công bố ngân sách vào ngày 11/3 nhằm trợ giúp các doanh nghiệp, dịch vụ công cộng và các cá nhân nhằm chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh, bao gồm tạo điều kiện cho các công ty này trả thuế muộn hơn. Với số người phơi nhiễm ở Anh tăng lên đến 39 người, ông Johnson đã áp dụng các chính sách ứng phó kịp thời như đóng cửa trường học, các sự kiện thể thao và thậm chí cân nhắc các chính sách tài chính trong nước và quốc tế.

OECD cảnh báo bùng nổ dịch virus corona đe dọa tăng trưởng - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc vì dịch virus corona

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại từ năm 2019, và đặc biệt sụt giảm vào 3 tháng cuối năm ngoái. Từ xuất phát điểm này, OECD nhận định kinh tế thế giới sẽ còn gặp khó khăn hơn vào 3 tháng đầu năm 2020, thậm chí ở bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, tổ chức này cũng dự đoán tăng trưởng trở lại vào năm 2021, nếu vụ dịch được kiểm soát trong những tháng tới đây. Nhưng sự phục hồi sẽ không đến ngay lập tức, và một số mất mát kinh tế sẽ không thể được phục hồi.

Hiện nay, khủng hoảng dịch bệnh vẫn gây thiệt hại nặng nề nhất đến Trung Quốc, chính phủ nước này phản hồi bằng lệnh cấm di chuyển và yêu cầu cách ly, đồng nghĩa với nhà máy đóng cửa cũng như nhu cầu tiêu thụ ngày càng sụt giảm từ khách hàng. OECD dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể tăng 4,9% vào năm nay, so với mức dự đoán 5,7% trước đó. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi lên mức 6,4% vào năm 2021. Lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố đang chuẩn bị các kế hoạch tài chính khẩn cấp nhằm giúp các quốc gia chống lại dịch virus corona, bên cạnh tư vấn chính sách và hỗ trợ kĩ thuật.

Giám đốc quản lý IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nói rằng hợp tác quốc tế là tối quan trọng khi đương đầu với hiệu ứng sức khỏe và kinh tế của dịch bệnh. Các Bộ trưởng Kinh tế của các quốc gia G7 đã lên các kế hoạch về công ty nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Ở Mỹ, lĩnh vực sản xuất nhà máy hiện vẫn đang ở trạng thái cầm chừng kể từ tháng Hai, do những quan ngại về vi rút Corona và hệ quả của nó tới chuỗi cung ứng của nhà sản xuất ở nước này.

Một khảo sát được công bố vào Thứ Hai bởi công ty dữ liệu HIS cho thấy các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đang chứng kiến cơn khủng hoảng kỉ lục trong tháng Hai. Chỉ số Quản lý Thu mua PMI giảm từ 50,1 xuống còn 40,3 vào tháng 1, mức thấp nhất kể từ 4/2014. Trung Quốc hiện nắm hơn 16% tỷ trong sản xuất toàn cầu, vì vậy gián đoạn sản xuất và cung ứng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được nhận định đã đang và sẽ để lại hệ quả lớn tới nhiều nền kinh tế khác.

OECD cũng cho rằng các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất từ việc thiếu hụt khách du lịch Trung Quốc, nhu cầu của khách hàng Trung Quốc với nhiên liệu và các sản phẩm khác cũng như sự gián đoạn cung ứng các linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc nhằm phục vụ cho các sản phẩm sản xuất ở nước khác.

Theo OECD, nhà sản xuất máy tính, đồ điện tử, dược phẩm và công cụ vận chuyển khắp nơi trên thế giới đang đặc biệt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. OECD cũng đưa ra dự đoán tăng trưởng với nhiều quốc gia cụ thể. Theo đó, GDP Trung Quốc được kì vọng chỉ tăng 4,9% năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản dự đoán chỉ đạt 0,2%. Mỹ được kì vọng tăng trưởng 1,9% so với mức ban đầu là 2%. Kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0,8% so với 1% dự đoán trước đó. Khu vực EU cũng được kì vọng tăng trưởng 0,8% so với 1,1% dự đoán. Tình huống xấu nhất trái lại có thể kéo theo nhiều quốc gia vào tình trạng suy thoái, nhất là Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Vân Anh
Cùng chuyên mục