Theo truyền thuyết, ông Bành Tổ sống tới 800 năm đã ăn thua gì, cây cổ thụ này ở Thanh Hóa thọ 1.500 tuổi

Thứ bảy, ngày 30/03/2024 05:25 AM (GMT+7)
Tôi đã nghe về hai cây cổ thụ đặc biệt trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thuộc khu vực xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) với những huyền thoại về cụ cây nghìn tuổi. Thế rồi trong chuyến công tác về Bát Mọt cuối năm 2023, tôi đã được mục sở thị những cây di sản.
Bình luận 0

Yết kiến các “thần rừng”

Thường Xuân là đất cuối của Xứ Thanh, tiếp giáp với Nghệ An và nước bạn Lào. Để có thể vào rừng chúng tôi liên hệ với Trạm kiểm lâm Bản Vịn đóng tại Bát Mọt và được cán bộ kiểm lâm ở đây dẫn đi. 

Cán bộ kiểm lâm Hà Văn Quý trong trang phục gọn nhẹ kèm chiếc xắc cốt đeo bên hông. Trong chiếc túi da đó là thiết bị điện tử quản lý rừng. 

Suốt hành trình của chúng tôi, dọc đường vào vị trí hai “cụ” cây di sản, cứ vài kilomet lại có bảng dựng hiển thị vị trí chúng tôi đang có mặt trong sơ đồ của Khu bảo tồn. Kiểm lâm thời 4.0 đã khác rất nhiều, mỗi cây trong rừng đều có biển tên kèm số hiệu và được định vị trên hệ thống.

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ luồn rừng, hiện ra trước mắt tôi là cây di sản thứ nhất - cây Pơ mu có tuổi đời khoảng hơn 1.000 năm. 

Tôi đứng lặng trước lớp vỏ xù xì nứt nẻ với những mảng rêu bắt nắng lấp lóa trên thân Pơ mu sừng sững như một bức tường thành. Dang tay ôm, thân Pơ mu có chu vi ước cỡ bốn năm lượt sải tay của tôi. Hà Văn Quý nói rằng, cây có chiều cao khoảng 70 mét và chu vi gần 4 mét. 

Đây là một trong hai cây di sản của rừng Xuân Liên được trao Bằng chứng nhận năm 2013. Sau khi mời các nhà khoa học Nhật Bản xác định tuổi, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã làm “lễ mừng thọ” cho hai “cụ” và tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận cây di sản, đến nay đã tròn 10 năm.

Theo truyền thuyết, ông Bành Tổ sống tới 800 năm đã ăn thua gì, cây cổ thụ này ở Thanh Hóa thọ 1.500 tuổi- Ảnh 1.

Một gốc cây cổ thụ trong quần thể các cây gỗ quý trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thuộc khu vực xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Quyến luyến trước “cụ” cây tự tại ngự ở độ cao 1.300 mét so với mực nước biển, chúng tôi tiếp tục hành trình. Bắt đầu từ đây chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích của các loài kì mộc. 

Rất nhiều những gốc Pơ mu, Sa mu trên dưới 1.000 tuổi đứng chen chân tạo thành một quần thể của những lão niên ôm giữ những bí ẩn của đất trời biên cương. Dưới mặt đất nơi gốc của các cây Sa mu cổ thụ ở khu vực ẩm ướt có rất nhiều những cây Sa mu nhỏ phái sinh. 

Thế nhưng anh Tình, một người Thái dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, người ta đã thử đưa những cây nhỏ này đi nơi khác trồng nhưng sau đó chúng đều chết. 

Chỉ ở độ cao từ 700 mét so với mực nước biển, cùng với đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu như ở đây, Sa mu và Pơ mu mới sinh trưởng tốt... Tôi sững sờ trước sự thật rằng, ngoài hai cây di sản được đăng ký trong rừng quốc gia Xuân Liên, còn cả gần100 cây anh em với độ chênh tuổi tác không nhiều.

Theo truyền thuyết, ông Bành Tổ sống tới 800 năm đã ăn thua gì, cây cổ thụ này ở Thanh Hóa thọ 1.500 tuổi- Ảnh 2.

Tác giả vòng tay ôm cây Pơ mu hơn 1000 tuổi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thuộc khu vực xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Suốt quãng đường chừng 1,5km từ cây Pơ mu 1.000 tuổi sang cây Sa mu 1.500 tuổi chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt những “cụ” cây mà “cụ” nào cũng xứng đáng được tôn vinh. 

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đứng trước vị “thần rừng” số một đứng cheo leo bên sườn dốc. Cây Sa mu cao niên nhất của rừng Xuân Liên có chu vi ước tính gần 5 mét và chiều cao 68 mét cùng những chùm lá kim cứng cỏi như thiết giáp. 

Vị trí vị “thần rừng” ngự có độ cao 1.400 mét so với mực nước biển. Đưa mắt nhìn dọc tấm thân lên rêu xanh của “thần rừng”, nâng tầm mắt lên cao tôi gặp những tán xanh vời vợi.

Nguồn cội và sự vĩnh hằng

Dưới bóng cây Sa mu 1.500 tuổi, tôi nghĩ về nguồn cội và sự vĩnh hằng. Ngược thời gian về 1.500 năm trước, mảnh đất xứ Thanh này đang dưới thời nào? Nước Việt hôm nay bờ cõi đến đâu?... Trong khoảng thời gian mênh mang đó, biết bao phen nguy biến sơn hà... 

Thế mà cây Sa mu này vẫn đứng đó, như những người lính ngàn đời trấn ải lưu đồn, như tấm khiên chắn nơi biên thùy ưỡn ngực che chắn cho “bách gia trăm họ”.

Theo truyền thuyết, ông Bành Tổ sống tới 800 năm đã ăn thua gì, cây cổ thụ này ở Thanh Hóa thọ 1.500 tuổi- Ảnh 3.

Cán bộ kiểm lâm Hà Văn Quý dưới gốc cây Pơ mu 1.000 năm tuổi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thuộc khu vực xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Sự thiêng liêng, ý thức nguồn cội có thể nghiêm cẩn nhìn vào một cái cây mà cảm nghiệm. Khoảng cách cả nghìn năm đằng đẵng bỗng chốc hiện ra trước mắt tôi bằng một kết nối rõ rệt hình hài. Cuốn sử sống sừng sững ấy chẳng tóc bạc da mồi, lá vẫn xanh như hơn một nghìn năm trước, lớp vỏ dày chồng rêu như cự tuyệt thời gian.

Nếu như những “cụ” cây di sản hàm chứa nhiều bí ẩn không dễ trả lời thì cái tên Bát Mọt nơi quần thể Pơ mu, Sa mu này chọn để trao gửi sứ mệnh xanh đến vô cùng cũng bí ẩn không kém. 

Trang điện tử của Huyện ủy Thường Xuân cho rằng, tên Bát Mọt có từ thời Lê: “Xã Bát Mọt (còn gọi là Bắt Mọt hay Bất Một, có tên từ thời Lê)…”. 

Còn nhà nghiên cứu Lí Học cho biết, nếu giải thích theo biến âm Bất Một {不 没} thì danh từ theo sự ghi chép và viết chữ trong các bộ sử, sách trên, dịch ra có thể tạm hiểu Bất Một là không mai một.

Theo truyền thuyết, ông Bành Tổ sống tới 800 năm đã ăn thua gì, cây cổ thụ này ở Thanh Hóa thọ 1.500 tuổi- Ảnh 4.

Tác giả bên gốc cây Sa mu đã sống thọ hơn 1.500 năm tuổi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thuộc khu vực xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định được tuổi của cây Sa mu trong cánh rừng già này lên tới 1.500 tuổi, tức là cái cây ấy bắt đầu vòng sinh trưởng từ thời vua Lý Nam Đế, một khoảng thời gian tương đối dài đối với lịch sử một dân tộc chứ chưa nói gì đến một đời người, đời cây thông thường. 

Đứng dưới những bóng cây nghìn tuổi tôi cảm giác đó là sự hóa thân của những người lính trấn ải lưu đồn thuở xưa, từ thời vua Lý Nam Đế đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Mạc…, bao nhiêu lớp người đã tiếp nối, đến hôm nay thế hệ hậu sinh là các chiến sĩ biên phòng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Trải qua bao tuế nguyệt, bao cát bụi chiến chinh, nơi biên ải ấy tự bao đời đã có những người lính trấn giữ vì sự mở mang bờ cõi, vì sự trường tồn của dân tộc, để Bát Mọt/Bất Một mãi mãi không mai một.

Nguyễn Xuân Thủy (Báo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem