Ông chủ chuỗi cầm đồ F88 còn nắm giữ nhiều doanh nghiệp khác ngành

07/03/2023 12:23 GMT+7
Dù đang thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng ông Phùng Anh Tuấn bất ngờ rẽ ngang và trờ thành nắm giữ chuỗi cầm đồ F88 cùng nhiều công ty khác.
Ông chủ chuỗi cầm đồ F88 còn nắm giữ nhiều doanh nghiệp khác ngành - Ảnh 1.

Ông Phùng Anh Tuấn, người đại diện pháp luật chuỗi cầm đồ F88

Cập nhật đến năm 2022, Công ty Cổ phần kinh doanh F88 có số vốn điều lệ suýt soát 567 tỷ đồng. Trong đó, 99,99% tỉ lệ cổ phần thuộc về Công ty Cổ phần đầu tư F88 (có địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Các cổ đông còn lại gồm ông Ngô Quang Hưng và ông Phùng Anh Tuấn, đồng thời giữ 765 cổ phần và chỉ chiếm 0,005% vốn. Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (hoạt động năm 2012) và Công ty Cổ phần đầu tư F88 có trùng thông tin người đại diện là ông Phùng Anh Tuấn (sinh năm 1984 tại tỉnh Phú Thọ). Công ty Cổ phần đầu tư F88 được thành lập năm 2015, địa chỉ tại đường Hùng Vương, Phường Nông Trang, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ.

Ông Tuấn đồng thời cũng là đại diện cho chuỗi doanh nghiệp có loại hình hoạt động khá đa dạng như truyền thông, bất động sản, công nghệ thông tin. Cụ thể, các công ty do ông Tuấn đại diện bao gồm: Công ty Cổ phần bất động sản thương mại và dịch vụ Quang Chung; Công ty cổ phần FFINTECH; Công ty TNHH G INVESTMENT; Công ty TNHH HOLDING.

Ông Phùng Anh Tuấn được biết đến là hacker khá nổi tiếng tại Việt Nam và đã từng làm việc tại một số tập đoàn lớn như VASC, Viettel, Hipt. Năm 2003, ông Tuấn khởi nghiệp và điều hành điều hành một công ty về lĩnh vực an ninh mạng. Quá trình này ông Phùng Anh Tuấn khá thành công khi đạt nhiều giải thưởng, cũng như nhận được sự ghi nhận của các đối tác. Tuy nhiên đến năm 2016, ông Tuấn bất ngờ chuyển sang lĩnh vực tài chính, cầm đồ.

Với F88, Công ty Cổ phần kinh doanh F88 được thành lập ngày 20/6/2016, địa chỉ trụ sở đặt tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân TP Hà Nội. Doanh nghiệp này hoạt động 17 ngành nghề, trong đó các hoạt động đáng chú ý là cấp tín dụng dịch vụ cầm đồ và mua bán nợ. Trong khoảng 5 năm, số vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên gấp 10 lần.

Ông chủ chuỗi cầm đồ F88 còn nắm giữ nhiều doanh nghiệp khác ngành - Ảnh 2.

Nguồn: Dữ liệu Cổng thông tin

Dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, F88 có trụ sở tại Phòng 206, Tầng M, Tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, vốn điều lệ gần 407 tỷ đồng (tháng 10/2022 dữ liệu Cổng thông tin F88 đã có vốn điều lệ 567 tỷ đồng).

Từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2022, F88 đã huy động thành công gần 2.366 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất biến động từ 9% đến 12%/năm. Đồng thời từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022, F88 đã mua lại trước hạn gần 245 tỷ đồng trái phiếu.

Không chỉ có các nhà đầu tư mạnh, từ năm 2017 đến nay, F88 liên tục gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư ngoại chuyên nghiệp. Năm 2017-2018, F88 đã gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak liền sau đó. Năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).

Đầu tháng 3/2023, trước sự kiện văn phòng của F88 bị khám xét, Công ty cổ phần Đầu tư F88 (F88) thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Trước đó, Dân Việt đưa tin, vào sáng ngày 6/3, văn phòng Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (tại tầng 7 và 8 của tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa bị lực lượng chức năng thuộc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, phối hợp với Công an TP.HCM, Công an quận Gò Vấp khám xét khẩn cấp để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Những thông tin ban đầu cho hay, F88 bị nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.

Hồi đầu tháng 3, F88 cũng bị Công an tỉnh Thanh Hóa lập biên bản vi phạm hành chính tại nhiều điểm kinh doanh cầm đồ. Nguyên nhân là do các điểm kinh doanh của F88 đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh.

Theo đó, F88 bị cáo buộc yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố, phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo… Bằng cách đặt ra các khoản thu để tính phí như vậy, tổng số tiền phí và lãi mà khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả rất cao.

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục