Tăng trưởng tín dụng đến 20/5 ước đạt 5,72%

Linh Anh
11/06/2025 15:50 GMT +7
Theo Chứng khoán SHS, ước đến 20/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 5,72% so với đầu năm – mức cao nổi bật so với cùng kỳ các năm trước.

Cập nhật trong báo cáo chiến lược tháng 6, CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho biết tính đến ngày 20/05/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 5,72% so với đầu năm.

Các chuyên gia SHS nhận định đây là mức tăng nổi bật so với cùng kỳ các năm trước và là một trong những điểm sáng quan trọng giúp hấp thụ phần nào lượng tiền dư thừa.

Trích báo cáo chiến lược của SHS.

Tuy nhiên, SHS Reseach cũng lưu ý rằng mặt bằng lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng Tier 3 đang nhích lên trở lại, trong khi Tier 4 lại điều chỉnh giảm – cho thấy sự phân hóa chi phí vốn đang quay lại, đặc biệt ở các ngân hàng nhỏ có nhu cầu huy động gấp, trong khi hệ thống vẫn đang “ngủ quên” trong tình trạng dư thừa thanh khoản ngắn hạn.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất hiện đã rơi về vùng 2,71%, mức thấp nhất kể từ đầu năm – phản ánh tình trạng thanh khoản hệ thống đang dư thừa rõ rệt. 

"Điểm đáng chú ý là dù lãi suất ở vùng thấp này đã kéo dài nhiều tuần, Ngân hàng Nhà nước không còn chủ động hút ròng qua tín phiếu, cho thấy chủ đích "buông lỏng lượng" để hỗ trợ thị trường, nhất là khi tín dụng phục hồi tích cực", báo cáo cho hay.

Theo SHS Research, để thanh khoản dôi dư trong thời gian dài mà không có biện pháp trung hòa, rủi ro lệch pha chính sách và tạo méo mó trong định giá tài sản là điều cần được lưu ý.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra các giải pháp trọng tâm như: Các ngân hàng thương mại được yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn; uu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh: Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong các ngành nhạy cảm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được khuyến khích mở rộng chương trình kết nối với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (SME), để tháo gỡ khó khăn về tài sản thế chấp và nợ xấu.

Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo ngành ngân hàng triển khai các gói tín dụng quan trọng với cơ chế lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn mới đây, NHNN đã triển khai đến 9 ngân hàng về việc cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội với tổng hạn mức 145.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn 2% lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trong 5 năm đầu vay vốn (kể từ ngày giải ngân đầu tiên). Trong 10 năm tiếp theo, lãi suất thấp hơn 1%.

Ngoài ra, với Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, NHNN đã mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản với quy mô 100.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng (với 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia) cho vay các dự án hạ tầng chiến lược (như giao thông, điện lực, hạ tầng số…) với mức lãi suất ưu đãi (giảm từ 1% trở lên so với lãi suất cho vay trung và dài hạn).

Thống kê từ báo cáo tài chính, quý 1/2025, dư nợ cho vay khách hàng của 27 nhà băng trên sàn chứng khoán đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2024.

Trong đó, nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh trên 9% như Eximbank, SHB, PGBank, Kienlongbank. Các ngân hàng lớn cũng có tăng trưởng tích cực như VietinBank (4,56%), Techcombank (5,06%), VPBank (5,35%),…