Ông Dương Công Minh muốn thoát khỏi “bóng” Đặng Văn Thành?

Ngân Nguyễn Thứ tư, ngày 11/10/2017 07:00 AM (GMT+7)
Quyết định đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sang sàn HNX của Sacombank, được nhiều cổ đông bình luận là do ông Dương Công Minh muốn thoát khỏi “bóng” của ông Đặng Văn Thành và thậm chí có thể là một bước chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập mới.
Bình luận 0

img

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank (Ảnh: Minh Huệ)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố một thông tin khá bất ngờ với cổ đông, đó là thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Theo đó, ngân hàng định đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM và hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.

Thoát khỏi “bóng” Đặng Văn Thành?

Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đần tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá tới 200.000 đồng/cổ phiếu. 10 năm sau, vào tháng 7.2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn tập trung HoSE với mã cổ phiếu STB. Năm 2012, STB đứng đầu trong danh sách 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số VN30 và được đánh giá là ngân hàng tốt nhất trong nhóm cổ phần tư nhân với lợi nhuận trên dưới 3.000 tỷ đồng.

Cùng với việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Sacombank cũng là một trong những ngân hàng cổ phần tiếp nhận vốn góp từ cổ đông nước ngoài với Dragon Financial Holding, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng ANZ, nâng tổng số cổ phần của các cổ đông nước ngoài lên 30% vốn điều lệ.

Sau 26 năm, Sacombank từ 3 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu đến nay là 18.852 tỷ đồng. Quá trình phát triển của Sacombank gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Văn Thành.

Tuy nhiên, năm 2012 đã có biến cố lớn xảy ra, Sacombank đổi chủ từ người sáng lập Đặng Văn Thành sang ông chủ mới là Trầm Bê, rồi sau đó là nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).

Cũng từ đó, Sacombank ngày một đi xuống và bị loại khỏi nhóm “câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ”, cổ phiếu STB một thời được nhà đầu tư yêu thích liên tục giảm sàn và rời khỏi nhóm VN30.

Nhận thấy cuộc thâu tóm Sacombank có vấn đề, tháng 11.2015, ông Trầm Bê cùng người liên quan phải ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước.

Gánh nặng SouthernBank quá lớn, khiến lợi nhuận Sacombank sụt giảm mạnh, thậm chí có những quý còn bị lỗ; tổng giá trị nợ xấu của Sacombank tính đến cuối năm 2016 là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng.

img

Nguồn: BCTC Sacombank

Quá trình tái cơ cấu của Sacombank là tìm kiếm nhà đầu tư, nhưng thực tế là tìm kiếm người chèo lái con thuyền Sacombank thoát khỏi vùng trũng này. Khi đó, cái tên Đặng Văn Thành lại một lần nữa được xướng lên. Cổ đông và nhà đầu tư kỳ vọng. Ông Đặng Văn Thành cũng không ít lần phát thông tin đã sẵn sàng quay về Sacombank.

Tuy nhiên, sau đại hội đồng cổ đông năm 2017 vừa qua, ông Dương Công Minh đã trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank. Sau gần 4 tháng nắm quyền, ông Dương Công Minh đã bắt tay vào tái cấu trúc ngân hàng này.

Ông Minh cũng ráo riết xử lý nợ xấu bằng việc hợp tác cùng VAMC để xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu ngay trong năm nay và cố gắng đưa Sacombank thoát khỏi nợ xấu trong vòng 3 – 5 năm tới.

img

Nguồn: BCTC Sacombank

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Sacombank tuyên bố đã xử lý được khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu và lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra của cả năm.

Nay, với việc đề xuất với cổ đông thay đổi mã chứng khoán và đổi sàn niêm yết, dường như Dương Công Minh đang muốn xóa đi những hình ảnh cũ gắn với chủ cũ cũng như thoát khỏi cái bóng quá lớn của ông Đặng Văn Thành để xây dựng một hình ảnh mới với kỳ vọng vào vận mệnh mới tốt hơn cho cổ đông và ngân hàng.

Bước chuẩn bị cho cuộc sáp nhập mới?

Tuy nhiên, quyết định này của Sacombank khiến không ít cổ đông hoài nghi về một khả năng sẽ có một thương vụ sáp nhập và đây là một trong bước chuẩn bị.

Ông Dương Công Minh bước vào lĩnh vực ngân hàng từ năm 2008 với việc trở thành cổ đông sáng lập LienVietPostBank. Sau 9 năm, LienVietPostBank đã có bước phát triển mạnh. Dấu ấn thời ông Minh còn làm chủ tịch HĐQT LienVietPostBank là sự sáp nhập với công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện để trở thành ngân hàng có điểm giao dịch lớn thứ 2 sau Agribank.

Ông Dương Công Minh từng nói mô hình quản lý của HimLam là độc trị. Ông sẽ là người quyết định hết tất cả, sau này, khi con trai ông ấy lên nắm quyền cũng sẽ như vậy.

img

Nay sang làm chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Minh vẫn luôn tìm cách nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu STB của ông Minh là 59,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,15% vốn điều lệ.

Tại buổi roadshow của LienVietPostBank hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc, cho biết hiện LienVietPostBank đang nắm giữ khoảng 60 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, khoảng 4% vốn điều lệ.

Có thể nói, số cổ phiếu STB này được gom thời điểm ông Dương Công Minh chuẩn bị cho cuộc tiến quân vào Sacombank. Với vốn điều hơn 6.400 tỷ đồng, LienVietPostBank sẵn sàng chi hơn 754 tỷ đồng để đầu tư vào Sacombank là một dấu hỏi lớn, nếu không vì mục đích trở thành hậu phương của ông Minh?

Mặc dù ông Sơn khẳng định không có chuyện LienVietPostBank sáp nhập vào Sacombank và đây chỉ là khoản đầu tư, dự kiến LienVietPostBank sẽ bán hết trong thời gian tới, nhưng thị trường không khỏi đặt dấu hỏi lớn về mối quan hệ của LienVietPostBank và Sacombank, mà gạch nối chính là ông Dương Công Minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem