“Ông lớn” Vietcombank chính thức có đối thủ về nợ xấu và dự phòng bao nợ xấu
Lãi gần 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu của MB vượt 300%
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) vừa tổ chức họp sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Thông tin tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MB Group (gồm ngân hàng mẹ MB và các công ty con) đạt hơn 524.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm, trong đó tín dụng tăng 10,5% đạt gần 340.000 tỷ đồng.
Doanh thu của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 22.900 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu trước dự phòng rủi ro của ngân hàng mẹ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế của MBGroup đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 7.038 tỷ, tăng 55% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, MB đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng cao trích lập dự phòng rủi ro.
Kết quả đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của MBGroup chỉ ở mức 0,76%, trong đó riêng ngân hàng là 0,58% - mức thấp kỷ lục của ngân hàng này từ trước tới nay, cũng là thấp nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu lên tới 311%, cao hơn gấp đôi so với mức cuối năm 2020.
Với mức độ trên, dự kiến MB sẽ là ngân hàng thương mại có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu cao nhất hệ thống qua nửa đầu năm nay.
Trước đó, tại nhiều quý công bố, Vietcombank dẫn đầu ở tỷ lệ bao phủ này.
Đơn cử như cuối năm 2020, tỷ lệ này tại Vietcombank lên tới 380%. Tuy nhiên, theo tìm hiểu tính đến cuối quý II này, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank có thể về dưới mức 300%.
Lợi nhuận của MB có thể đạt trên 16.000 tỷ trong năm nay?
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2021 đạt khoảng 16.095 tỷ đồng, tăng 50,6%.
Kết quả này được đưa ra với giả định được đưa ra, MB có thể sẽ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt 21% và 18% trong năm nay.
Lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm 18 điểm cơ bản, mạnh hơn mức giảm 13 điểm cơ bản của quý I/2021, nhằm hỗ trợ khách hàng trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Lãi suất huy động trung bình giảm mạnh hơn (26 điểm cơ bản) nhờ áp lực huy động thấp (LDR 72% cuối năm 2020), tỷ lệ CASA tăng (đạt 43,2% so với 40,9% của năm 2020) và tình trạng thanh khoản liên ngân hàng căng thẳng nhẹ vừa qua sẽ dịu lại nhờ các hợp đồng kỳ hạn USD và một lượng lớn trái phiếu chính phủ sắp đáo hạn.
Điều này cùng với danh mục đầu tư mở rộng vào các trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao và các giấy tờ có giá phát hành trong các quý gần đây có lãi suất thấp sẽ hỗ trợ NIM tăng 24 điểm cơ bản lên 5,01%. Thu nhập lãi thuần (NII), theo đó, tăng 25% lên 25.344 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 5.237 tỷ đồng, tăng 46,5%, được dẫn dắt bởi thu nhập từ hoạt động bảo hiểm.
Tăng trưởng mạnh ở thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ đưa tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng đáng kể 26,7% lên 34.659 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư lớn cho hạ tầng và nhân sự công nghệ thông tin và khấu hao trụ sở làm việc khiến tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) năm 2021 đi ngang so với 2020 và đạt đỉnh vào năm 2023.
Chi phí hoạt động (OPEX) năm 2021, vì vậy, tăng trưởng cùng tốc độ với (TOI) lên 13.370 tỷ đồng.
Đợt dịch mới đang diễn biến phức tạp nhưng với chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ, nợ tái cơ cấu và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành đang giảm nhanh, VDSC kỳ vọng ngân hàng có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,09%, tương đương năm 2020.
Nhờ đã có sự chuẩn bị trước về dự phòng trong năm 2020, áp lực dự phòng năm nay sẽ giảm bớt, kéo theo chi phí dự phòng giảm 15,1% về 5.193 tỷ đồng.