Quảng Ninh: Bị vợ "dọa" lên "doạ" xuống mà vẫn liều "ôm" gần 70ha đất cằn rồi làm "một người trồng rừng trầm lặng"

Nguyễn Quý Thứ tư, ngày 09/09/2020 06:45 AM (GMT+7)
Hơn 20 năm trước, ông Trần Bá Báu, nông dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã "liều" nhận hàng chục ha đất đồi cằn để trồng rừng. Thời điểm ấy, nhà nào cũng lo cái ăn trước mắt có ai nghĩ đến trồng rừng. Ngay ý tưởng nhận đất cằn chỉ để trồng rừng của ông cũng bị vợ "dọa" lên "dọa" xuống.
Bình luận 0

Ông Trần Bá Báu, nông dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh)-một trong những người có ý tưởng và thực hiện ý tưởng trồng rừng trên đất đồi cằn cỗi cách đây hơn 20 năm.

Mái tóc dày lượn sóng, dáng người cao to, mặt vuông, quai hàm rộng, ông Trần Bá Báu có dáng vẻ của một nghệ sỹ hơn là một người nông dân gắn bó cả đời với vườn chè, rừng gỗ ở xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Về xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), hỏi ông Trần Bá Báu ai cũng biết. Bà hàng nước đầu thôn còn gọi cả biệt danh, chỉ đường vanh vách: "Báu nghệ sĩ chứ gì? Đến ngã 3 kia rồi rẽ trái, cứ đi thẳng hơn 2km nữa thì thấy tấm biển ghi tên Trần Báu".

Chúng tôi gặp ông Trần Bá Báu trong căn nhà khang trang, mang dáng dấp của một ngôi biệt thự giữa bạt ngàn rừng cây gỗ lớn ở xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh). Không như những người nông dân kiệm lời, ông Báu luôn đoán trước người đối diện cần biết thông tin gì, và nhanh chóng dẫn dắt câu chuyện.

Người "nghệ sỹ" sáng tác cây giống, giúp dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Ông Trần Ba Báu, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về cây giống chè Ngọc Thúy do cơ sở của ông ươm trồng.

Sinh năm 1961 ở huyện Hưng Hà (Thái Bình), năm 1995 ông Báu đặt chân tới đất Quảng Sơn, huyện Hải Hà làm kinh tế mới, khi vừa vào độ tuổi sung sức nhất. Những năm đầu đặt chân tới xã miền núi nghèo, nằm trong chương trình 135 của Chính phủ, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. 

Từ vùng quê chuyên sản xuất nông nghiệp đặt chân đến Quảng Sơn, cả gia đình sống chủ yếu dựa vào khai thác rừng và nghề hái chè thuê, nhiều lúc muốn quay về quê cũ.

"Quảng Sơn ngày ấy là cả một vùng đất đồi rừng rộng lớn, với trập trùng đồi... trọc. Người dân không ai để ý đến trồng rừng, mà chỉ chăm chăm lên rừng kiếm củi, bán cho nhà máy xao chè (Công ty chè Đường Hoa) với giá 5.000 đồng/bó" – ông Báu bắt đầu hồi tưởng những ngày đầu gian khó ra Hải Hà lập nghiệp.

Không vì gian khổ mà nản lòng, ông Báu đã mạnh dạn nhận 30ha đất trống, đồi núi trọc để phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, kết hợp trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, ao đầm và ươm cây giống. Nhìn những quả đồi trọc lốc, khô cằn, vợ con ông Báu không khỏi ngán ngẩm. Lấy đâu tiền mà cải tạo hàng mấy chục hecta rừng, lấy đâu tiền mua từng ấy cây giống, lấy đâu...?

Những câu hỏi của bà vợ như những mũi kim, không khỏi làm cho cái đầu của ông Báu đau đớn. Ông âm thầm toan tính, trồng cây gì trước, trồng cây gì sau, bao năm cây này thu hoạch, thu hồi vốn, trồng cây nào lấy ngắn nuôi dài...

Người "nghệ sỹ" sáng tác cây giống, giúp dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Rừng cây bạch đàn đỏ của ông Báu cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Như một thứ nhân duyên trời định, chuyến học tập ươm cây giống, trồng chè ở Thái Nguyên từ những năm 1975 tưởng vô nghĩa, giờ lại phát huy tác dụng. Ông khoanh riêng 2ha trồng chè, xác định đây chính là cây "lấy ngắn nuôi dài", giúp trang trải cuộc sống gia đình những ngày gian khó nhất, và phục vụ mơ ước làm giàu từ phủ xanh đất rừng của ông.

Với nỗ lực của bản thân, đến học tập kinh nghiệm của các địa phương, hay tham gia tập huấn kiến thức về trồng trọt, gia đình ông Báu đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, từ việc mua cây giống, gia đình đã chuyển sang ươm các loại cây giống để phục vụ trồng rừng của gia đình.

Năm 2003, khi huyện Hải Hà chưa có cơ sở cung cấp giống các cây keo, quế, bạch đàn, ông Báu đã đi tiên phong, trồng thử nghiệm và thành công trong ươm giống các cây này, cung cấp cho bà con các xã lân cận. Sau đó, tiếng tăm của ông được lan truyền ra toàn huyện, rồi bán cây giống phục vụ cho bà con ở các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ...

"Ngày ấy nói đến trồng rừng bà con còn ngại ngần, nhưng khi thấy gia đình tôi thành công bằng chính cây giống của mình, nhiều người mới nghe lời vận động, bắt đầu phủ xanh đồi rừng trọc" – ông Báu kể.

Đến năm 2005, 100% đất rừng ở Quảng Sơn đã được phủ xanh, người dân nhiệt tình hưởng ứng phong trào trồng rừng phát triển kinh tế, trước khi Chính phủ ra lời kêu gọi trồng, phủ xanh 5 triệu hecta rừng từ năm 2006.

Người "nghệ sỹ" sáng tác cây giống, giúp dân thoát nghèo - Ảnh 4.

Giống chè Ngọc Thúy do Doanh nghiệp tư nhân Trần Báu cung cấp phát triển tốt, cho năng suất cao.

Cũng từ đây, uy tín của ông Trần Bá Báu – người tiên phong trồng rừng ở Hải Hà – càng nổi lên rõ rệt. Năm 2007, ông Báu đã mạnh dạn thành lập công ty lấy tên Trần Báu, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng, cung cấp giống và thu mua chè. 

Doanh nghiệp tư nhân Trần Báu là cơ sở cung ứng cây giống đầu tiên của huyện Hải Hà, cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Nhiều hộ nghèo không có tiền chi trả mua cây giống, ông cho nợ đến kỳ thu hoạch mới thanh toán, không tính một đồng lãi.

Đến bây giờ, tổng diện tích đất trồng cây, trang trại và vườn ươm của doanh nghiệp tư nhân Trần Báu đã là 67ha, trong đó có 35ha bạch đàn đỏ, còn lại là rừng keo và một phần diện tích ươm cây giống. Trên diện tích này, ông Báu cho trồng gối, nên năm nào cũng cho thu hoạch. 

Ngoài ra, ông còn trồng, cung ứng các loại cây ăn quả, cây bóng mát như thanh long, bằng lăng, osaka... Tổng thu từ rừng gỗ và cung ứng cây giống của ông Báu đến nay đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm.

Là hội viện Hội Nông dân xã Quảng Sơn từ năm 1998, ông Báu không quên mảnh đất đã cho mình "trái ngọt" hôm nay.

Chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2016, ông Báu ủng hộ số tiền 25 triệu đồng đổ bê tông toàn bộ sân trường Tiểu học Quảng Sơn. Thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê, năm 2018, ông Báu đã ủng hộ 5 triệu đồng để kéo đường điện về thôn 4, xã Quảng Sơn. 

Ngoài ra, năm nào ông Báu cùng các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đi đầu trong các chương trình từ thiện cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn. Riêng số cây giống hỗ trợ cho bà con từ năm 2016 đến năm 2019, được doanh nghiệp tư nhân Trần Báu thống kê là 431 triệu đồng.

25 năm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương mới, từ một hộ nghèo của xã, bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi, gia đình ông Trần Bá Báu đã vươn lên phát triển kinh tế từ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, làm gương cho cho các hộ trong huyện học tập.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem