Ông nông dân Vĩnh Phúc được cả làng biết số điện thoại vì nắm giữ những "bí mật" này

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 14/04/2022 19:02 PM (GMT+7)
Nhiều năm gắn bó với công tác khuyến nông ở cơ sở, điều ông Hoàng Trọng Ngãi (69 tuổi, ở thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cảm thấy tự hào nhất là niềm tin của bà con nông dân dành cho ông khi họ gặp bất kỳ sự cố gì liên quan đến dịch bệnh trên đồng ruộng.
Bình luận 0

"Lật cánh" bắt cả làng làm…lúa xuân muộn

Dẫn phóng viên dạo một vòng bờ vùng bờ thửa cánh đồng lúa xuân đang lên xanh mơn mởn sau mưa xuân, ông Ngãi bảo: "Sau bao năm kiên trì vận động, từ năm ngoái, người dân Đức Bác đã chuyển hẳn từ cấy trà xuân sớm sang xuân muộn".

Ông Ngãi cho biết, Đức Bác là xã vùng trung du nhưng có 3 địa bàn khác nhau: Đồng bằng, trung du, miền núi, 3 vùng là 3 tập quán canh tác khác nhau. 

"Phải nói người dân ở đây rất bảo thủ trong canh tác lúa bởi Đức Bác là xã duy nhất trong tỉnh vẫn duy trì khá lớn diện tích lúa xuân sớm, trong khi gieo cấy trà xuân sớm thường là các giống lúa dài ngày, phải gieo mạ từ khoảng 20/11 (âm lịch) và cấy trước tết, khi đó tình hình thời tiết rất bất thuận cho cây lúa phát triển. Còn nếu cấy trà xuân muộn, sẽ có nhiều bộ giống lúa tốt, chất lượng cao, lại hạn chế được tác động bất thuận của thời tiết. Vì vậy, chúng tôi quyết định "lật cánh" phải thay đổi bằng được tập quán canh tác này" - ông Ngãi kể lại.

Khuyến nông viên “đánh bay” tư duy sản xuất cũ - Ảnh 1.

Ông Ngãi (ngoài cùng bên trái) cùng người dân thôn Dương Thọ trao đổi về tình hình phát triển của ngô. Ảnh: K.N

Với những đóng góp của mình cho công tác khuyến nông, phát triển nông nghiệp địa phương, ông Hoàng Trọng Ngãi đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc tặng bằng khen và đang đề xuất Trung tâm Khuyến nông quốc gia khen thưởng.

Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo xã, từ vụ xuân năm 2021, ông Ngãi và cán bộ nông nghiệp xã quyết "ém", không công bố giống, lịch thời vụ cho vụ xuân sớm, sau đó mới triển khai vụ xuân muộn, điều tiết cả hệ thống thủy lợi chỉ cấp nước cho vụ xuân muộn thay vì xuân sớm.

Thật bất ngờ, trong vụ đầu tiên triển khai diện tích cấy lúa xuân muộn với hơn 110ha, bà con Đức Bác được mùa lớn, năng suất tăng 20 - 30% so với giống lúa cũ. 

Ông Ngãi hy vọng, diện tích lúa xuân muộn sẽ tiếp tục được lan rộng trong tổng số 211ha lúa của toàn xã.

"Cái được quan trọng nhất của việc thay đổi trà lúa này theo tôi chính là đánh bay được tư tưởng bảo thủ của người dân, bởi khi bà con còn bảo thủ thì không thể đưa được cái mới vào. Mắt thấy tai nghe, bà con thấy giống lúa mới cơm ngon, năng suất cao, được giá nên chẳng ai bảo ai đều chọn giống lúa mới, trà xuân muộn để canh tác" - ông Ngãi nói.

Làm khuyến nông phải trực tiếp từ đồng ruộng

Ông Ngãi bén duyên với công việc của một khuyến nông viên từ khoảng năm 2003 sau khi tham gia lớp đào tạo tiểu giáo viên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. 

Gắn bó với đồng ruộng Đức Bác từ việc bắt sâu, diệt bệnh, ông Ngãi đảm nhiệm vai trò của một khuyến nông viên tư vấn mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc, bảo vệ cây trồng.

Khi được hỏi: "Một ngày công việc của khuyến nông viên là gì?" - ông Ngãi cho biết, Đức Bác là xã trung du, với 9.000 dân, địa bàn rộng, trải dài 5km. 

Công việc chính của ông là theo dõi tình hình sâu bệnh của từng khu vực, có vấn đề gì phát sinh thì triển khai tới trưởng thôn, đề xuất, hướng dẫn trực tiếp cách xử lý trên đồng ruộng, sau đó báo cáo chính quyền địa phương xin ý kiến chỉ đạo.

"Làm khuyến nông là phải trực tiếp từ đồng ruộng chứ không thể ngồi đợi công văn rồi mới xuống cơ sở, bởi chậm một nhịp là có thể mất thời cơ vàng diệt trừ sâu bệnh hoặc chăm sóc cây trồng" - ông Ngãi nói.

Bên cạnh đó, ông cũng là người tiên phong tiếp cận thông tin, tiến bộ kỹ thuật mới rồi truyền đạt, phổ biến lại cho người dân, hướng dẫn bà con làm theo. Từ năm 2015, ông là người đầu tiên đưa giống ngô mới về Đức Bác.

"Tóm lại, việc của tôi là theo dõi quá trình phát triển, sinh trưởng của cây trồng, chỗ nào cần trồng cây gì, thời vụ ra sao, quá trình làm thuận lợi, khó khăn gì thì tổng hợp, đề xuất lãnh đạo xã tìm phương án tháo gỡ" - ông Ngãi cho biết thêm.

Về chế độ đãi ngộ cho khuyến nông viên cơ sở, ông Ngãi bảo: "Nếu chỉ nhìn vào đồng phụ cấp thì không ai muốn làm vì phụ trách khối lượng công việc lớn nhưng tôi chỉ được hưởng 0,8% mức lương tối thiểu, là 1,192 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, đổ vài bình xăng đi thăm đồng là hết".

Khó khăn là vậy nhưng ông Ngãi cho biết, cái được lớn nhất của một khuyến nông viên cơ sở là đi đến đâu, nói gì bà con cũng tin. "Số điện thoại của tôi rất nhiều bà con nông dân biết, ai có việc gì, gặp vấn đề gì trong canh tác là họ gọi trực tiếp cho tôi nhờ tư vấn xử lý" - ông Ngãi khoe.

Để đảm bảo hoạt động của khuyến nông viên cơ sở, ông Ngãi kiến nghị, các địa phương, ngành chức năng cần có chính sách duy trì đội ngũ này vì hiện nay khuyến nông cấp huyện không có "quân" nên rất khó triển khai công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem