Trồng giống cây bắp chỉ cần xanh tốt, lấy thân lấy lá bán, nông dân nơi này của Phú Yên thu nhập cao

Thứ năm, ngày 14/04/2022 05:42 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, mô hình liên kết trồng bắp sinh khối được nhiều hộ dân ở huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) chú trọng và nhân rộng diện tích trồng. So với trồng bắp lấy hạt, trồng bắp sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn, mở ra hướng đi mới cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Trồng bắp sinh khối cho thu nhập cao

Trên những con đường bê tông thẳng tắp đổ về các thôn ở xã Sơn Thành Tây, nhìn vào đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn màu xanh của cây bắp, đám nọ nối tiếp đám kia xa ngút tầm mắt. 

Dưới sự chỉ dẫn của ông Đặng Quang Cẩm, một hộ dân trồng bắp sinh khối ở thôn Sơn Trường, chúng tôi đã có mặt tại ruộng trồng bắp xanh mướt của gia đình ông đang đến ngày thu hoạch. 

Tự tay vặt một trái bắp trên ruộng bóc ra cho mọi người xem, ông Cẩm hào hứng chia sẻ: “Trước đây trồng bắp lấy hạt, mỗi khi đến vụ thu hoạch, chúng tôi vất vả lắm. Cứ vừa thu hoạch vừa phóng hạt ra phơi, rồi lại tranh thủ lao vào làm đất chuẩn bị cho vụ sau. Chưa kể giá bắp hạt bấp bênh do phải cạnh tranh với bắp nhập khẩu, có khi còn bị thương lái ép giá. Giờ trồng bắp sinh khối, ngày thu hoạch được công ty thu mua đến tận ruộng cắt cây mang về, mình chẳng phải lo bị ép giá hay thiếu nhân công khi vào vụ thu hoạch nữa”.

Trồng thứ bắp chỉ cần xanh tốt, không quan tâm tới có hạt hay không, nông dân nơi này của Phú Yên thu nhập cao - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Phú Yên tham quan mô hình trồng bắp sinh khối tại hộ ông Đặng Quang Cẩm ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Theo ông Cẩm, so với trồng bắp lấy hạt, mặc dù mức đầu tư giống nhau, phân, nước như nhau, nhưng bắp sinh khối trồng khỏe hơn nhờ thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi vụ kéo dài từ 80-90 ngày, tiết kiệm được nhiều công. Trung bình trồng 1ha bắp sinh khối, năng suất sau khi thu hoạch từ 50-60 tấn. Với giá bán hiện nay, tổng thu 57 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hơn 20 triệu đồng/ha.

Cũng như ông Cẩm, ông Đặng Quốc Hoài ở cùng thôn, chuyển đổi từ 5 sào tiêu sang trồng bắp sinh khối, canh tác mỗi năm 3 vụ. Vụ này, ông thu hoạch bán cho Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên trên địa bàn huyện để chế biến thức ăn gia súc với giá 1 triệu đồng/tấn, tính ra 1 sào thu lợi hơn 3 triệu đồng. 

“Cây bắp có khả năng chịu hạn tốt, dễ thích nghi, năng suất cao, ít sâu bệnh và được bao tiêu sản phẩm nên bán nhanh, lại thu “tiền tươi” rất khỏe. Tôi dự định sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối ở các vụ tiếp theo”, ông Hoài phấn khởi nói.

Theo ông Lê Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, hiện xã có diện tích trồng bắp sinh khối lớn nhất huyện Tây Hòa, bình quân mỗi năm gieo trồng từ 100-150ha với gần 150 hộ dân tham gia mô hình sản xuất này. 

“Giống bắp này thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Vì vậy, trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều hộ dân trồng bắp sinh khối vẫn có nguồn thu ổn định nhờ việc trồng bắp”, ông Công cho biết.

Nhân rộng sản xuất, liên kết bao tiêu

Theo ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), những năm gần đây, nông dân ở các địa phương chú trọng trồng và nhân rộng diện tích sản xuất bắp sinh khối. Riêng từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã gieo trồng gần 200ha, tăng 2,7% so với các năm trước. 

“Bắp sinh khối là cây bắp được thu hoạch ở giai đoạn chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp đã chín hoàn toàn, cây bắp thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Hiện thị trường tiêu thụ bắp sinh khối khá thuận lợi, vì có Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên đóng trên địa bàn huyện đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là yếu tố thuận lợi để phát triển mô hình trồng bắp sinh khối ở huyện Tây Hòa”, ông Roa nói.

Ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên cho biết: Việc sử dụng bắp sinh khối chế biến thành thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua được ứng dụng tại các nước phát triển đàn gia súc nhưng mô hình này mới chỉ bắt đầu gần đây tại Việt Nam. 

Bắp sau khi ủ chua được sử dụng cho một số trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các trang trại nhập khẩu bò Úc nguyên con vỗ béo tại Việt Nam; đồng thời xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Theo ông Phi, hiện nay, việc sản xuất bắp ủ chua không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhất là vào mùa khô nên toàn bộ sản phẩm bắp sinh khối của các hộ dân đang trồng đều được công ty thu mua. 

Công ty tạo điều kiện cho tất cả bà con có nhu cầu trồng bắp sinh khối; hộ dân nào không có vốn sản xuất thì công ty cho mượn giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để trồng, sau khi thu hoạch thì công ty thu mua lại và lúc đó bà con hoàn trả lại phần vốn đầu tư...

Mô hình trồng bắp sinh khối được triển khai đã giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài trong thời điểm nhiều cây trồng gặp khó khăn về đầu ra và dịch bệnh; đồng thời mở ra hướng sản xuất mới, hướng đến canh tác nông nghiệp bền vững. 

Hiện Phòng Khuyến nông huyện Tây Hòa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát để triển khai dự án sản xuất bắp sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc. 

“Theo kế hoạch, dự án này sẽ xây dựng mô hình sản xuất bắp sinh khối theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm với quy mô 10ha giống bắp LCH9, 120 hộ dân tham gia. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá trị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, tham quan, hội thảo đầu bờ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh...”, ông Đào Văn Roa cho biết thêm.

Ngọc Hân (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem