Ông Phạm Văn Tam viết tâm thư lên Thủ tướng việc Asanzo sắp phá sản vì theo toà

Thanh Phong Thứ tư, ngày 28/08/2019 06:00 AM (GMT+7)
Ông Phạm Văn Tam, CEO tập đoàn Asanzo vừa viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm mang thương hiệu Asanzo khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng túng quẫn. Nếu đến thời điểm 30/8/2019 vẫn chưa có kết luận thì Asanzo phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản.
Bình luận 0

Theo thư kiến nghị của CEO tập đoàn Asanzo, từ ngày 21.06.2019, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải nhiều bài báo, tranh biếm họa, cáo buộc các sản phẩm của DN này là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, “lừa người tiêu dùng”…

Sau những thông tin trên, Cty CP tập đoàn Asanzo đã được các cơ quản lý chuyên ngành như Cục kiểm tra sau thông quan, cục Điều tra chống buôn lậu, tổng cục Quản lý thị trường, tổng cục Hải quan, ban chỉ đạo 389 Quốc gia,… đến thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, đến nay, theo phán ảnh của tập đoàn Asanzo, các đơn vị nêu trên chưa đưa ra kết luận chính thức. Điều này gây ra thiệt hại hàng nghìn tỉ cho tập đoàn do đã suy giảm doanh thu nhưng vẫn phải trả lương cho hơn 2.000 công nhân.

img

Vụ Asanzo bị "tố" gian lận xuất xứ vẫn chưa có hồi kết.

“Trong 2 tháng qua, ở tư cách nạn nhân nhưng công ty chúng tôi nỗ lực hợp tác, cung cấp tài liệu pháp lý, chứng từ, hợp đồng, số liệu kế toán, tài chính, tài liệu liên quan đến nhãn hiệu, dây chuyền, công nghệ, bí mật kinh doanh…   

Trong 2 tháng đó, chúng tôi là nạn nhân không được bảo vệ: chúng tôi đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường, con số thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng, thị phần của chúng tôi đã bị sụt giảm một cách đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng trong 2 tháng đó, dù doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhưng chúng tôi vẫn phải ráng duy trì trả lương và chế độ cho 2.000 công nhân viên, người lao động trực tiếp và gián tiếp, chi trả tiền hoạt động, tiền kho bãi và nhiều chi phí khác để cố gắng chờ cho đến ngày có kết luận để có thể từng bước quay lại hoạt động bình thường.

Thế nhưng, cho đến những ngày cuối cùng của tháng 8 này, vẫn còn một số cơ quan tiếp tục yêu cầu cung cấp tài liệu pháp lý, hồ sơ chứng từ, kế toàn, tài chính, giấy chứng nhận về nhãn hiệu,… và buộc phải giải trình, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để cung cấp đầy đủ toàn bộ, dù chúng tôi đã cung cấp cho nhiều đoàn kiểm tra trước đó; vì thế chúng tôi lo ngại thời điểm ra kết luận có thể lại tiếp tục kéo dài sau ngày 30/08/2019 – là thời điểm mà Ngài Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải kết luận.”, ông Phạm Văn Tam trần tình.

Cũng theo công văn kiến nghị từ phía ông Phạm Văn Tam, đến ngày 30/08/2019, nếu không có kết luận thanh tra chính thức, Tập đoàn Asanzo phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản, sa thải lao động hàng loạt do không còn khả năng tài chính.

Về vấn đề của Asanzo, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho biết, việc chậm đưa ra kết luận đối với những vụ việc như tập đoàn Asanzo bị “tố” gian lận xuất xứ có thể giết chết không chỉ một mà còn hàng nghìn doanh nghiệp. 

Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, quy định bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa đã có từ hàng chục năm nay, khi xảy ra cáo buộc sai phạm, chỉ trong 15 phút là có ý kiến sơ bộ, sau 3 ngày phải trả lời dứt khoát đúng hay không. Việc chậm trễ đưa ra kết luận khiến doanh nghiệp gặp khó khi đưa vụ việc ra trước pháp luật, đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

“Sau khi đưa vụ kiện này ra, tòa phải thụ lý, còn vấn đề đúng sai, được thua sẽ trải qua quá trình hoàn thiện chứng cứ. Sau quá trình chứng minh, tòa sẽ xem xét, có cơ sở sẽ được chấp nhận, nếu không sẽ bị bác. Vụ việc liên quan đến cty Asanzo, phải chia làm 2 phần, về việc có gian lận thương mại trốn thuế hay không? và có vi phạm quy định về nhãn hàng không? 

Về vấn đề nhãn hàng, vì chúng ta đã có quy định yêu cầu bắt buộc phải ghi ở nghị định 43 nên theo tôi, nếu có xảy ra tranh chấp, chỉ trong 15 phút có đánh giá sơ bộ, sau 3 ngày phải trả lời dứt khoát có vi phạm hay không. Ở đây tôi thấy vấn đề là lỗ hổng của pháp luật gây ra tình trạng xập xí xập ngầu, làm ngơ, vô trách nhiệm làm giết chết không chỉ một mà hàng nghìn DN.” LS. Trương Thanh Đức khẳng định.

Trước đó, từ ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ đã khởi đăng loạt bài điều tra về các sản phẩm của Tập đoàn điện tử Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam làm dấy lên làn sóng dư luận. Các bài viết chỉ ra các dẫn chứng cụ thể cho rằng Asanzo của ông Phạm Văn Tam nhập sản phẩm hoàn chỉnh đồ gia dụng từ Trung Quốc qua nhiều công ty nhập khẩu sau đó thay nhãn do Asanzo sản xuất tại Việt Nam.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem