Ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu, hai lần từng bị xử phạt

Phi Long (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 30/03/2022 10:53 AM (GMT+7)
Ông Trịnh Văn Quyết không chỉ một lần bán cổ phiếu FLC "chui", dẫn tới bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt.
Bình luận 0

Tối 29/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thực hiện khám xét trụ sở Tập đoàn FLC và nhà riêng của ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch HĐQT của FLC. Ông Quyết đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

Trước đó Bộ Công an thông báo: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu FLC bị xử phạt mấy lần? - Ảnh 1.

Trong phiên ngày 11/1/2022, cổ phiếu FLC và các cổ phiếu cùng họ F khác đồng loạt nằm sàn, trắng bên mua sau khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu. Ảnh: Báo LĐ

Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. 

Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Trước đó, tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian từ 20-24/10/2017.

Theo thống kê giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu thị giá FLC giao dịch thời điểm đó ở mức 7.100-7.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường từ đợt bán cổ phiếu không thông báo trước này.

Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu FLC có thanh khoản cao vượt trội so với bình quân, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm là phiên 23/10/2017 lên đến 48 triệu đơn vị. Cổ phiếu FLC sau đó cũng rơi nhanh về khoảng 5.700 đồng, tức giảm hơn 20% giá trị so với lúc bán.

Điều đáng nói là số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì hành vi bán 57 triệu cổ phiếu không báo cáo chỉ là 65 triệu đồng.

Cùng ngày 11/10/2017, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS - thời điểm đó do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT) số tiền 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 - 24/10 nhưng không báo cáo.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng con số bị xử phạt là quá nhỏ so với lợi nhuận thu được nên không đủ tính răn đe. Muốn làm lành mạnh thị trường chứng khoán thì cần phải xử lý nghiêm minh các vi thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu FLC bị xử phạt mấy lần? - Ảnh 2.

Bán "chui" cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã bị SSC xử phạt 2 lần.

Sự việc tương tự xảy ra gần đây nên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết do bán cổ phiếu FLC không báo cáo. Mức phạt 1,5 tỷ đồng là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm 2022.

Theo Nghị định này, người nội bộ hoặc cổ đông lớn không báo cáo về giao dịch dự kiến có thể chịu 8 mức phạt, thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 3-5% giá trị giao dịch thực tế nếu giao dịch đó hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên tắc phạt tiền là tối đa không quá 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Quyết là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Cụ thể, trong thời điểm này ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào chiều 10/1/2022 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối ngày 10/1, SSC cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của người đứng đầu FLC từ hôm sau. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Sau khi sự việc xảy ra, các phiêu giao dịch tiếp theo nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết như ROS, AMD, KLF, HAI. Các mã này đã có chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp và thường xuyên rơi vào tình trạng trắng bên mua. Khối lượng đặt bán giá sàn luôn dao động từ 15-85 triệu cổ phiếu mỗi phiên nhưng khớp lệnh đều chưa đến 1 triệu cổ phiếu.

Suốt những ngày qua, khi có những thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, nhóm cổ phiếu liên quan tới tập đoàn FLC là tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần này, ngày 28/3, nhóm cổ phiếu FLC từ đầu phiên cho tới cuối phiên đều giữ nguyên trạng thái "trắng bên mua", khối lượng dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên xấp xỉ 140 triệu cổ phiếu. 

Trong đó, dư bán sàn của FLC và ROS ghi nhận gần 60 triệu đơn vị. Ngày 29/3, nhóm cổ phiếu này bao gồm FLC, ROS, HAI, AMD tiếp tục trạng thái "trắng bên mua", chỉ riêng KLF là cổ phiếu liên quan tới FLC thoát được giá sàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem