Ông tỷ phú "du mục" chăn đàn trâu hơn 200 con ở tỉnh Phú Yên

Hoàng Oanh (TTKN tỉnh Phú Yên) Chủ nhật, ngày 02/02/2020 19:09 PM (GMT+7)
Anh Ngô Kim Long, một nông dân điển hình của xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) đã vượt khó, làm giàu bằng chăn nuôi trâu – con vật thân thuộc của người nông dân Việt Nam. Không chỉ nuôi trâu, anh Long còn nuôi rất nhiều trâu, số lượng trâu nuôi của anh Long lên đến 200 con.
Bình luận 0

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, không có điều kiện đi học, ngay từ nhỏ anh Long đã làm bạn với con trâu, cùng trâu suốt ngày rong ruổi trên những cánh đồng làng, để rồi từ đó anh có ước mơ làm giàu từ việc chăn nuôi trâu đàn.

img

Đàn trâu hơn 200 con của gia đình anh Long.

Dốc hết vốn của hai bên gia đình cho khi lập gia đình, cộng thêm tiền vay mượn anh quyết định mua 5 con trâu để lập nghiệp. Vừa chăn dắt, chăm sóc 5 con trâu từ tiền vốn mình bỏ ra, anh Long còn nhận nuôi rẽ - hình thức bỏ công chăm sóc trâu cho người khác rồi chia đôi và nhiều công việc khác.

Anh Long tích lũy thêm vốn, anh vay vốn ngân hàng và mở rộng ngành nghề kinh doanh của mình thông qua hình thức kinh doanh, mua bán trâu đàn. Sau 7 năm lập nghiệp với 5 con trâu, đàn trâu của gia đình anh đã lên đến 38 con. Nhiều trâu, anh nghĩ đến việc tìm những vùng đất có nguồn nước, cỏ tươi phong phú để chăn thả trâu.

Năm 2008, anh Long thuê đất của lòng hồ thủy điện Sông Hinh, vùng đất này thường có không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào, lượng cỏ tự nhiên phong phú…rất thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, nhờ vậy trâu sinh sản và phát triển nhanh.

Đến năm 2018, đàn trâu của gia đình anh đã lên đến hơn 200 con, trong đó có khoảng 80 con trâu cái, mỗi năm sinh sản khoảng 60 con trâu con, sau 12 tháng nuôi bán với giá từ 13 – 15 triệu đồng/con, trừ chi phí, anh lãi bình quân 4 triệu đồng/con.

Là một trong những người chăn nuôi trâu với số lượng lớn ở địa phương, mới đầu trâu của gia đình anh chỉ bán tại địa phương, nhưng anh không dừng lại ở đó mà tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt thị trường tiêu thụ. Hiện nay trâu của gia đình anh được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường miền Bắc và tỉnh Nghệ An,.

Có lúc lượng trâu không đáp ứng đủ nhu cầu, anh phải đi thu gom trâu các nơi về nuôi vỗ. Anh cho biết, một con trâu cái lớn có giá bán bình quân từ 20 – 30 triệu đồng, thường từ 3 - 5 ngày anh xuất bán khoảng 50 con, trong chuồng lúc nào cũng có đàn trâu gốc từ 170 – 200 con.

Nuôi trâu thường tốn rất ít chi phí, chủ yếu tìm được nguồn cỏ tươi, đồng rộng, ít tốn công chăm sóc,…Để phòng bệnh cho trâu, anh Long thường chích thuốc bổ, thuốc xổ giun, lở mồm long móng cho trâu. Ngoài ra, anh thường đi tìm, khảo sát những vùng đất ở địa phương, thậm chí ở các tỉnh lân cận có điều kiện phù hợp cho trâu sinh sống để di chuyển đàn trâu đến chăn dắt.

img

Đàn trâu đông đúc đủ các độ tuổi với số lượng hơn 200 con của gia đình anh Long.

Như hiện nay từ tháng 5 đến tháng 10, anh Long di cư đàn trâu đến tỉnh Gia Lai để chăn thả, sau đó anh lại chuyển trâu về lòng hồ thủy điện Sông Hinh, nhờ vậy đàn trâu của gia đình anh luôn phát triển ổn định, bình quân thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu đạt từ 600 - 700 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí, công lao động.

Để vừa phục vụ cho việc chăn dắt, vận chuyển đàn trâu, vừa làm dịch vụ vận tải cho bà con nông dân tại địa phương, anh Long còn đầu tư thêm 2 chiếc xe vận tải. Ngoài thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu, gia đình anh còn thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng/xe/năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 12 công lao động tại địa phương.

Anh Long cho biết, xuất thân từ nghèo khó nên anh hiểu hoàn cảnh của người lao động, đối với lao động chăn nuôi trâu, anh thường cho họ nuôi rẽ trâu, lo chi phí ăn uống cho họ, anh còn giúp họ tách đàn, nuôi riêng để cùng nhau vượt khó, làm giàu.

Vốn là người có ý chí, chịu khó trong lao động, ham học hỏi, anh Ngô Kim Long còn muốn vươn xa hơn nữa trên con đường làm giàu đã chọn. Anh chia sẻ: Sắp tới, anh sẽ nâng số lượng đàn trâu và nuôi trâu bằng mô hình khép kín mà anh đã học hỏi được từ những chuyến mua bán trâu ở các tỉnh miền Bắc, miền Nam.

Theo đó, trâu được nuôi trong chuồng trại, không chăn dắt, cho ăn thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi ngắn – sau 4 tháng là có thể xuất bán được, chi phí và công lao động ít - 1 công lao động có thể quản lý 100 con, trong khi chăn nuôi thả tự nhiên 100 con trâu phải mất 3 đến 4 công lao động.

Không những là gương điển hình trong sản xuất giỏi, vượt khó, làm giàu, anh Ngô Kim Long còn là tấm gương sáng trong việc tham gia các phong trào của xã, huyện; tích cực trong các chương trình đóng góp xây dựng nông thôn mới, ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem