OPEC+ nới thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ khiến giá dầu tụt sâu xuống đáy?
Hồi tháng 6, OPEC+ đã họp thông qua việc duy trì việc cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 7, thay vì giảm 7,7 triệu thùng sau tháng này như kế hoạch trước đó. Giờ đây, thỏa thuận gia hạn đó cũng sắp đến ngày hết hiệu lực.
Ủy ban giám sát, đánh giá sản xuất của OPEC+ dự định sẽ họp vào hôm 15/7 để đánh giá xem liệu nhóm này có nên duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng mỗi ngày như suốt những tuần qua hay sẽ quay lại mức cắt giảm khoảng 2 triệu thùng/ ngày như cũ.
OPEC+ đã kêu gọi các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận cắt giảm vừa qua, qua đó thành công đưa giá dầu phục hồi trở lại sau khoảng thời gian lao dốc bởi sức ép từ cả hai phía cung - cầu, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và chiến tranh giá cả Nga - Saudi Arabia. Nhưng Helima Croft, chuyên gia chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC nhận định: “Câu hỏi đặt ra giờ đây là các nước liệu có nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hay không, hoặc có thể tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận đó hay không”. Bởi theo bà Helima, vẫn còn nhiều rủi ro đè nặng lên viễn cảnh thị trường dầu, như một làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo đủ lớn để buộc các quốc gia tiếp tục tạm ngừng hoạt động kinh tế, thậm chí là phong tỏa đất nước...
Giá dầu đã bắt đầu giảm từ đầu năm nay khi đại dịch Covid-19 buộc các nước phong tỏa quốc gia hoặc giãn cách xã hội, yêu cầu người dân cách ly tại nhà; qua đó khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Cuộc chiến giá cả giữa Nga và Saudi Arabia đã làm cho tình hình càng tồi tệ hơn vào tháng 3. Đến tháng 4, thị trường thậm chí chứng kiến giá dầu âm khi các thương nhân bị mắc kẹt trong hợp đồng dầu tương lai sắp hết hạn và buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí trả thêm tiền để thoát khỏi các hợp đồng dầu như vậy.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục 9,7 triệu thùng/ ngày của OPEC+ sau đó đã đưa giá dầu ổn định và hồi phục trở lại. Tuy nhiên, cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA hồi tuần trước cảnh báo rằng tác động từ dịch Covid-19 với nhu cầu dầu toàn cầu sẽ còn kéo dài. Cụ thể, cơ quan này dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm 5,1 triệu thùng/ ngày trong nửa cuối năm 2020. Trong khi đó, việc giá dầu bắt đầu phục hồi có thể sẽ kéo theo nhiều nhà sản xuất tăng sản lượng trở lại, từ đó làm mất đi sự phục hồi ngắn ngủi trong thời gian qua.
John Kilduff, đối tác nghiên cứu của Again Capital cho biết: “Các công ty sẽ muốn đưa thêm dầu vào thị trường và kiếm lời từ mức giá phục hồi 40 USD/ thùng dầu hiện nay. Nhưng tôi không chắc thị trường dầu có thể hấp thụ được mức sản lượng bổ sung nào ngay lúc này”.
Vè phí Helima Croft, bà cho biết OPEC+ đang tỏ ra tuân thủ tốt các thỏa thuận cắt giảm hiện có, bao gồm cả Nga. Mỹ dù không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ nhưng cũng chứng kiến sản lượng giảm mạnh từ mức kỷ lục 13,1 triệu thùng/ ngày hồi tháng 3 xuống còn 10,5 triệu thùng/ ngày trong tháng 6. Dữ liệu mới đây được công bố cho thấy nhu cầu xăng dầu tại Mỹ hiện ở mức 8,8 triệu thùng/ tuần, thấp hơn khoảng 1 triệu thùng so với bình quân những năm gần đây nhưng cao hơn nhiều mức thấp kỷ lục hồi tháng 3.
Hiện các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu xăng dầu tại Mỹ để xem liệu nó có tiếp tục giảm do sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 kỷ lục ở miền nam nước Mỹ hay không. Tính đến hôm Chủ Nhật, Mỹ báo cáo ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm Covid-19 vượt 60.000.
“Nếu làn sóng Covid-19 tiếp theo quay trở lại (cùng hàng loạt lệnh phong tỏa và cách ly xã hội), tôi nghĩ rằng thị trường sẽ chứng kiến giá dầu rớt sâu xuống dưới 35 USD, tức khoảng 30 USD/ thùng” - ông John Kilduff nói thêm.