Phải cải tổ các tập đoàn nhà nước triệt để hơn

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 09:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực trạng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là vấn đề lớn của nền kinh tế, chứ không phải là giải pháp. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong bài viết riêng cho Dân Việt về vấn đề cải tổ tập đoàn nhà nước.
Bình luận 0
img
Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Dư luận, nhất là các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Vinaconex, bàng hoàng khi biết lợi nhuận sau kiểm toán của công ty chỉ khoảng 5 tỷ đồng trong khi báo cáo trước kiểm toán của chính công ty không lâu trước đó công bố lợi nhuận cỡ... 200 tỷ.

Tiềm ẩn bất ổn vĩ mô

Vinaconex là một tổng công ty nhà nước đã được cổ phần hóa. Một công ty đã được cổ phần hóa vẫn được coi như doanh nghiệp nhà nước nếu nhà nước còn sở hữu trên 50% cổ phần. Vinaconex là công ty như vậy, nhà nước còn nắm giữ khoảng 51% (chưa kể phần sở hữu chéo của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác).

Thường các công ty cổ phần hoạt động và công bố thông tin minh bạch hơn các công ty chưa được cổ phần hóa. Cho nên tính minh bạch chưa cao, như sự việc của Vinaconex khiến người ta lo ngại về sự minh bạch và tính hiệu quả của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nói chung.

Người ta muốn "các tập đoàn kinh tế nhà nước là các quả đấm thép của nền kinh tế", "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", "các tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò quyết định trong bình ổn kinh tế vĩ mô...

Thế nhưng trong nhiều bài viết, dùng các số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê, tôi đã chỉ ra: Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sử dụng phần nhiều nhất của nguồn lực xã hội (vốn, đất đai, tài nguyên), nhưng tạo ra phần thành tích (đóng góp cho GDP, thuế, công ăn việc làm, sản lượng…) ít nhất khi so với khu vực tư nhân (chính thức, phi chính thức và nước ngoài).

Tôi cho rằng hiện nay thực trạng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là vấn đề lớn của nền kinh tế, chứ không phải là giải pháp.

Không cải tổ doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để, chúng là các nhân tố tạo ra bất ổn vĩ mô, chứ không phải công cụ để ổn định.

img
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (Vinashin) liên tiếp thua lỗ mấy năm qua.

Phải cải tổ triệt để hơn

Ngoài các số liệu về sử dụng nguồn lực và thành tích kể trên, người ta có quyền lo ngại về sự thiếu minh bạch của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Dưới đây là một vài bằng chứng nữa:

Ai cũng còn nhớ vài năm trước, khi giá gạo thế giới tăng, chính vài doanh nghiệp nhà nước độc quyền xuất khẩu gạo đã kiến nghị để Chính phủ ra lệnh "tạm ngưng" xuất khẩu gạo gây thiệt hại hàng trăm triệu USD. Việc này cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới lên và làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cũng chính các công ty đó đã góp phần chủ yếu gây ra cơn "sốt gạo" ở TP.Hồ Chí Minh.

Có thể chứng minh bằng các con số và bằng vô số thí dụ rằng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện nay, nếu không nhanh chóng được cải tổ, đã, đang và sẽ ngày càng là vấn đề lớn của nền kinh tế.

Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, nhất là các tập đoàn xuất khẩu, đã "găm" ngoại tệ không bán cho các ngân hàng gây ra căng thẳng về ngoại tệ khiến nhà nước phải lệnh "bắt” họ bán cho ngân hàng, rồi phải quy định lãi suất tiền gửi rất thấp để không tạo khuyến khích cho họ "găm" ngoại tệ.

Rồi đến chuyện "lãi suất tiền gửi" mới đây. Nhà nước quy định trần lãi suất mà ngân hàng có thể huy động vốn là 10,5%/năm, tức là lãi suất tiền gửi phải thấp hơn con số đó (việc nên bỏ mọi loại trần lãi suất, và thực tế Ngân hàng Nhà nước đã bỏ, là chuyện khác không bàn tới ở đây).

Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp nhà nước kêu gọi giảm lãi suất cho vay. Muốn thế phải giảm được lãi suất tiền gửi. Thế nhưng các tập đoàn có nhiều vốn và hăng hái "mặc cả" lãi tiền gửi. Họ mang hàng trăm tỷ đồng đến ngân hàng và thẳng thắn mặc cả, nếu không trả đúng 14,5%/năm, họ sẽ mang sang ngân hàng khác gửi, bất chấp trần lãi suất tiền gửi khi đó do Ngân hàng Nhà nước quy định là 10,5%/năm.

Đến nỗi ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phải thốt lên: "Bất cập lớn nhất hiện nay là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước có lượng vốn lớn nhưng lại hạn chế hỗ trợ công ty thành viên.

Trong khi công ty thành viên phải vay vốn ngân hàng để làm ăn thì "bố" và "mẹ" dùng nguồn đó tổ chức đấu thầu giá vốn tại chỗ với ngân hàng". Người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả doanh nghiệp tư nhân lớn cũng chẳng thể "lộng hành" đấu thầu giá vốn như thế được, nhưng noi gương các tập đoàn cũng có người mặc cả thành công.

Có thể thấy "động cơ lợi nhuận" và bản năng thị trường của các tập đoàn cũng cao chẳng kém các tổ chức tư nhân khác. Can thiệp hành chính chỉ là biện pháp nhất thời, phải cải tổ các doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để hơn, buộc các doanh nghiệp đó cạnh tranh, không tạo cho họ những cơ hội "lộng hành" và dùng các công cụ thị trường để điều tiết mới là các biện pháp lâu bền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem