Phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng”, nguyên Giám đốc sở nhận 4 năm tù

Gia Bình Thứ bảy, ngày 01/10/2022 11:33 AM (GMT+7)
Bị cáo Hà Minh Trần, nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cao Bằng khai “vội vã” cho nhà đầu tư ứng hơn 10 tỷ đồng vì muốn “hoàn thành tốt nhiệm vụ” giải ngân để giữ tiền cho tỉnh.
Bình luận 0

TAND tỉnh Cao Bằng vào chiều 30/9 tuyên phạt các bị cáo: Hà Minh Trần, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cao Bằng án 4 năm tù; Triệu Thị Nhung, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính, Sở LĐTBXH án 3 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trong vụ án, bị cáo Quản Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Xây dựng Trường Phúc Hoàng, phải nhận 8 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Phạm tội “đặt biệt nghiêm trọng”, giám đốc sở ở Cao Bằng nhận 4 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Hà Minh Trần, nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cao Bằng. Ảnh: X.A

Theo cáo trạng, năm 2015, Sở LĐTBXH Cao Bằng được cấp vốn từ Trung ương để thực hiện dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp. Dự án gồm gói thầu xây nhà đa năng trị giá 26 tỷ đồng và Công ty Trường Phúc Hoàng trúng gói thầu này.

Ngày 26/12/2016, bị cáo Trần đại diện Sở LĐTBXH ký hợp đồng thi công với bị cáo Hiền với nội dung chủ đầu tư sẽ cho nhà thầu ứng 40% giá trị hợp đồng khi có bảo lãnh của ngân hàng.

Ngày 29/12/2016, được UBND tỉnh đồng ý nên Sở LĐTBXH cho Công ty Trường Phúc Hoàng ứng gần 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có thư bảo lãnh nên Kho bạc Nhà nước tỉnh chưa xuất tiền.

Hôm sau, Ngân hàng Phương Đông chi nhánh Hà Nội mới ban hành thư bảo lãnh trị giá hơn 10,5 tỷ đồng, có giá trị đến tháng 12/2017. Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng liền chuyển 5,3 tỷ đồng cho doanh nghiệp của bị cáo Hiền.

Tháng 1/2017, Công ty Trường Phúc Hoàng lại đề nghị và được Ngân hàng Phương Đông ra tu chỉnh bảo lãnh tức số tiền bảo lãnh giảm từ 10,5 xuống còn 5,3 tỷ đồng. Bị cáo Hiền đã không gửi thư tu chỉnh này cho Sở LĐTBXH.

Cơ quan truy tố cáo buộc, bà Hiền sau đó còn đề nghị Sở LĐTBXH cho ứng số còn lại theo thư bảo lãnh lần đầu. Do muốn đạt tiến độ giải ngân, Giám đốc sở Hà Minh Trần đồng ý, chuyển thêm hơn 5,2 tỷ đồng; tổng cộng 2 lần tạm ứng có giá trị hơn 10,5 tỷ đồng.

Công trình sau đó không thể thi công nhưng Hà Minh Trần đã không thực hiện các biện pháp thu hồi tiền tạm ứng. Năm 2019, bà Hoàng Thị Mỹ Hảo được bổ nhiệm chức Giám đốc sở thay bị cáo Trần mới yêu cầu Ngân hàng Phương Đông thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng không được đáp ứng.

Theo cáo trạng, công trình không hoàn thành nhưng các bị cáo Trần, Nhung cho doanh nghiệp của bị cáo Hiền ứng tiền rồi không thu hồi dẫn tới thất thoát hơn 9,6 tỷ đồng của ngân sách. Tại giai đoạn điều tra, bà Hiền đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Hà Minh Trần cho hay lý do "vội vã" cho Công ty Trường Phúc Hoàng ứng tiền vì muốn đạt tiến độ giải ngân để "giữ tiền cho tỉnh" và "hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình". Đây là vốn Trung ương, nếu không giải ngân đúng tiến độ sẽ bị thu hồi chuyển cho dự án khác.

Thời điểm giải ngân, ông Trần "không biết mình vi phạm pháp luật, đến khi bị khởi tố mới biết". Vì vậy, chính ông Trần đã cho bị cáo Hiền vay 9,6 tỷ đồng để nộp, khắc phục hậu quả.

Cấp dưới của ông, bị cáo Nhung khai nhiều lần "can ngăn" sếp giải ngân và sau đó đề nghị thu hồi tiền tạm ứng nhưng không được ghi nhận ý kiến. Cơ quan tố tụng đánh giá bà Nhung đã tích cực khai báo, giúp làm sáng tỏ vụ án.

Phạm tội “đặt biệt nghiêm trọng”, giám đốc sở ở Cao Bằng nhận 4 năm tù - Ảnh 2.

Từ trái qua, các bị cáo: Trần, Hiền và Nhung. Ảnh: X.A

Đến lượt mình trình bày, bị cáo Hiền cho hay "tuyệt đối không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước". Theo nữ Giám đốc, phía chủ đầu tư đã không thể bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp giải phóng, xây dựng. Cáo trạng vụ án cũng thể hiện năm 2019, chủ đầu tư mới bàn giao được mặt bằng.

Về lý do không trả ngay số tiền tạm ứng khi không thi công, bà Hiền cho biết thời điểm đó doanh nghiệp gặp khó khăn rồi sau "gặp Covid-19" nên chưa thể trả. Nữ bị cáo mong muốn được trả lại các con dấu của doanh nghiệp để tiếp tục cho công ty hoạt động, xây dựng.

Bào chữa cho bà Hiền, luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng Luật sư Toàn Cầu) cho rằng, việc giải ngân, cho tạm ứng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư là Sở LĐTBXH và lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng. Do đó, vụ án này có dấu hiệu "bỏ lọt tội phạm".

Ngoài ra, bị cáo Hiền đã nộp lại đủ số tiền tạm ứng nên không có hậu quả; việc khởi tố vụ án có dấu hiệu của việc "hình sự hóa quan hệ kinh tế". Ông Thiệp đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau một ngày làm việc, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo dẫn tới hậu quả ngân sách Nhà nước bị thất thoát, công trình không thể hoàn thành đúng hạn nên thuộc trường hợp "phạm tội đặc biệt nghiêm trọng".

Tuy vậy, tòa ghi nhận bị cáo Hà Minh Trần phạm tội vì "muốn giữ nguồn vốn, không vụ lợi", còn Nhung là đồng phạm, thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo Hiền được đánh giá có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng và đặc biệt đã khắc phục hậu quả vụ án. Tuy vậy, vẫn cần cách ly các bị cáo khỏi xã hội một thời gian.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem