Vụ án ở Đồng Tâm: Luật sư phản đối dựng lại hiện trường vì hành vi phạm tội quá dã man

Nguyễn Hòa Thứ năm, ngày 10/09/2020 13:13 PM (GMT+7)
Ngày 10/9, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP.Hà Nội). Trình bày trước tòa, luật sư bảo vệ cho 3 cảnh sát hy sinh ở Đồng Tâm đã bác bỏ, phản đối một số quan điểm từ phía luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Bình luận 0

Khẳng định tính hợp pháp về hoạt động của lực lượng, phản đối dựng lại hiện trường

Trong vụ chống đối lực lượng chức năng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Đồng Tâm vào ngày 9/1, có 3 cảnh sát đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Những cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (48 tuổi) - Phó trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; đại úy Phạm Công Huy (27 tuổi) - cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP.Hà Nội; thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (28 tuổi) - Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Vì sự manh động, liều lĩnh và hành vi dã man của các đối tượng, 3 cảnh sát trên đã bị rơi xuống hố sâu 4m, sau đó bị đổ xăng thiêu khiến các anh hy sinh.

Trình bày quan điểm về vụ án, luật sư Nguyễn Hồng Bách - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 cảnh sát đã hy sinh cho biết ông đồng tình với việc Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội chuyển tội danh truy tố cho 19 bị cáo.

Ngay tại tòa sáng qua (9/9), 19 bị cáo trong vụ án được Viện kiểm sát chuyển tội danh từ Giết người sang Chống người thi hành công vụ.

Phản đối thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ Đồng Tâm vì quá dã man - Ảnh 1.

Luật sư bảo vệ cho các bị hại phản đối việc một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị dựng lại hiện trường vụ việc ở Đồng Tâm, bởi không thể và sự việc quá dã man.

Trước quan điểm đề nghị công bố kế hoạch đảm bảo an ninh, bảo vệ cán bộ, người dân tại Đồng Tâm trước, trong và sau ngày 9/1, luật sư Bách bác bỏ quan điểm này. Vị luật sư dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản liên quan đều cho thấy kế hoạch bảo vệ này thuộc danh mục bí mật, không thể công bố công khai.

Cũng trình bày quan điểm tại tòa, ông Bách một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong hoạt động công vụ của lực lượng chức năng. "Một số luật sư hỏi lực lượng này vào thôn Hoành có hợp pháp hay không? Tôi khẳng định 3 cảnh sát hy sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao. Sau khi các chiến sĩ hy sinh, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích của các anh, các anh được thăng quân hàm vượt cấp... Nếu là tội phạm, họ có được ghi nhận công lao hay không?", ông Bách nói.

Đáng chú ý, trước đề nghị phải thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án, luật sư Nguyễn Hồng Bách bày tỏ quan điểm không đồng ý.

Theo ông Bách, một số luật sư của các bị cáo nêu ra vấn đề này khiến ông cảm thấy đau nhói. "Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui vào cái hố đó cho người khác đổ xăng lên?", luật sư Bách nêu quan điểm.

Vị luật sư phân tích, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân.

Con trai ông Kình thừa nhận sai khi nhờ người mua lựu đạn

Cũng đề nghị tòa không trả hồ sơ điều tra như đề nghị của một số luật sư phía các bị cáo, luật sư Bách nhận định, nếu trả lại hồ sơ, vụ án chưa thể khép lại, các cơ quan tố tụng bắt đầu từ điều tra với tội Giết người với 25 bị cáo.

"Viện kiểm sát đã chuyển tội của 19 người, cơ bản là tốt hơn cho các bị cáo và tôi tin các bị cáo mong muốn như vậy. Nếu trả hồ sơ, các bị cáo sẽ tiếp tục bị giam, những người được đề nghị án treo sẽ phải ngồi tù và như thế không có lợi cho các bị cáo", ông Bách trình bày.

Ở diễn biến trước đó, tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến (tức Tiến "mạ", 40 tuổi) khai không hiểu nguồn gốc khu cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm, nhưng bị kích động bởi lời kêu gọi của "tổ đồng thuận".

Phản đối thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ Đồng Tâm vì quá dã man - Ảnh 3.

Lê Đình Công thừa nhận đã sai khi nhờ Tiến mua 10 quả lựu đạn và học chế tạo bom xăng để dạy lại cho mọi người.

Tiến thừa nhận do thường xuyên xem video về việc ông Lê Đình Kình (đã chết) và các thành viên "tổ đồng thuận" kêu gọi bảo vệ đất đồng Sênh nên bị kích động.

Khoảng tháng 11/2019, nhận lời đề nghị của bị cáo Lê Đình Công (con trai ông Kình), Tiến lên mạng đặt mua 10 quả lựu đạn từ người lạ mặt với giá 30 triệu đồng và làm "bom xăng" để ở nhà.

Tiến thừa nhận hành vi này của mình là thiếu hiểu biết pháp luật.

Tiến "mạ"phủ nhận là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội. "Bị cáo không tham gia vận chuyển hung khí, bom xăng, không trực tiếp giết người, nhưng thấy mình đã sai khi có mặt ở hiện trường. Tôi thành tâm sám hối và cảm thấy tội lỗi", Tiến nói.

Giơ tay xin tự bào chữa, bị cáo Lê Đình Công cho rằng "khiếu kiện đất đai là mấu chốt dẫn đến vụ án". Bị cáo thừa nhận đã sai khi nhờ Tiến mua 10 quả lựu đạn và học chế tạo bom xăng để dạy lại cho mọi người. Bị cáo Công phủ nhận là chủ mưu, song xin Hội đồng xét xử cho hưởng khoan hồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem