Phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, Tổng thống Putin muốn gì?

Phương Đăng (theo BBC, CNN) Thứ sáu, ngày 25/02/2022 10:18 AM (GMT+7)
Sau nhiều tháng tập kết quân đội và gia tăng lực lượng ở biên giới với Ukraine, Nga cuối cùng đã tiến hành cuộc tấn công đa hướng vào nhiều vùng Ukraine, đe dọa làm mất ổn định châu Âu và kéo theo cả Mỹ.
Bình luận 0

Vì sao Nga tấn công Ukraine? Tổng thống Putin muốn gì?

Phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, Tổng thống Putin muốn gì? - Ảnh 1.

Người dân Nga theo dõi phát biểu của Tổng thống Putin trên truyền hình.

Một loạt các nỗ lực ngoại giao trong những tuần gần đây nhằm ngăn chặn hành động quân sự của Nga  đã không thể xoa dịu căng thẳng gia tăng trong nhiều tháng qua giữa Nga và Ukraine, theo CNN.

Nga đã thắt chặt quân đội xung quanh Ukraine kể từ năm ngoái, tập kết hàng chục nghìn binh sĩ cũng như trang thiết bị quân sự và pháo binh, ngay trước cửa nước này.

Đến sáng thứ Năm 24/2, một số khu vực trên khắp Ukraine đã bị tấn công, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Đông Ukraine và yêu cầu nước ngoài không được can thiệp. Nga đồng thời cũng cảnh báo đổ máu hơn nữa trừ khi lực lượng Ukraine hạ vũ khí.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Tổng thống Putin quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và thông qua đó ông muốn gì?

Trong khi Ukraine đang tìm kiếm một mốc thời gian rõ ràng để gia nhập NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: "Đối với chúng tôi, việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên của NATO là điều hoàn toàn bắt buộc". 

Về phần mình, trong một bài luận dài được viết vào tháng 7/2021, Tổng thống Putin gọi người Nga và người Ukraine là "một dân tộc", đồng thời cho rằng phương Tây đã làm biến chất Ukraine và đẩy nước này ra khỏi quỹ đạo của Nga. Điều đó cũng đã được thể hiện đầy đủ trong bài phát biểu đầy xúc động và bất bình của Tổng thống Putin trước quốc dân hôm thứ Hai 21/2 khi ông thông báo về quyết định công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng.

Tổng thống Putin khẳng định phần nào cho quyết định mở chiến dịch ở Ukraine của ông là do sự bành trướng về phía đông của NATO. Trước đó, ông tuyên bố rằng Nga "không còn điểm nào để rút lui - họ (NATO) nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ ngồi yên một chỗ hay sao?".

Tổng thống Putin cũng lập luận rằng nếu Ukraine gia nhập NATO, liên minh quân sự này có thể cố gắng tái chiếm Crimea.

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Nga nói chung coi việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa lớn và kiềm chế Ukraine về mặt quân sự là một cách tiềm năng để ngăn chặn khả năng này.

Anne Applebaum, nhà sử học kiêm bình luận viên tại tạp chí Atlantic nhận định, là một sĩ quan tình báo ở Đông Đức khi Liên Xô tan rã, khi Tổng thống Putin nhìn vào Ukraine, ông dường như thấy một đất nước mà Nga có mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời đang chuyển dịch ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Do đó, Putin sẽ coi hành động can thiệp quân sự là một cơ hội để đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình, theo bình luận viên Zeeshan Aleem từ MSNBC.

Phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, Tổng thống Putin muốn gì? - Ảnh 2.

Khói đen bốc lên từ một sân bay quân sự ở Chuguyev gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine hôm 24/2. Ảnh CNN

Ngoài ra, ông Putin muốn NATO phải loại bỏ lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự của họ khỏi các quốc gia thành viên đã tham gia liên minh từ năm 1997 và không triển khai "vũ khí tấn công gần biên giới Nga". Điều đó có nghĩa là NATO phải rút khỏi Trung Âu, Đông Âu và Baltics.

Trong mắt Tổng thống Putin, phương Tây đã hứa hồi năm 1990 rằng họ sẽ mở rộng "không một cm nào về phía đông" nhưng NATO đã làm trái cam kết đó.

"Kể từ khi NATO bắt đầu mở rộng vào giữa những năm 90, khi Nga có một chính phủ rất khác dưới thời Boris Yeltsin, các nhà bình luận và quan chức Nga đã phản đối hành động của NATO nhưng cũng cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục đi xa hơn tới Gruzia và Ukraine, xung đột sẽ nổ ra và khả năng chiến tranh bùng phát là rất lớn. Họ đã nhắc lại điều đó hết lần này đến lần khác. Vì vậy, Putin không phải là mấu chốt vấn đề", Anatol Lieven, chuyên gia cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện Nghiên cứu Lập pháp có Trách nhiệm Quincy bình luận về lý do Nga tấn công Ukraine.

NATO là một liên minh phòng thủ với chính sách mở cửa cho các thành viên mới và 30 quốc gia thành viên của liên minh kiên quyết rằng điều đó sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cũng nói rằng, không có triển vọng Ukraine gia nhập NATO trong một thời gian dài nhưng nhấn mạnh, ý tưởng rằng bất kỳ thành viên NATO hiện tại nào phải từ bỏ liên minh là một điều không nên.

Liêụ có lối thoát ngoại giao nào không?

Mỹ đã đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán về hạn chế tên lửa tầm ngắn và tầm trung cũng như về một hiệp ước mới về tên lửa xuyên lục địa. Tuy nhiên, Nga muốn tất cả vũ khí hạt nhân của Mỹ phải bị cấm ra xa khỏi cửa nhà Nga.

Dù chưa phải bây giờ, nhưng mọi thỏa thuận cuối cùng sẽ phải bao gồm cả cuộc chiến ở phía đông Ukraine và kiểm soát vũ khí.




 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem