Khởi động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2022

Thùy Anh Thứ năm, ngày 28/04/2022 15:34 PM (GMT+7)
Sau khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, tăng tốc sản xuất kinh doanh. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các tai nạn lao động nhất.
Bình luận 0

Nguy cơ mất an toàn lao động, gia tăng tai nạn khi tăng tốc sản xuất, kinh doanh

Sáng nay (28/4), Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động đã phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2022.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành và đông đảo công nhân lao động tham dự.

an toàn lao động

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thay mặt Ủy ban An toàn lao động Quốc gia phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022, tháng Công nhân năm 2022. Ảnh: M.D

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thay mặt Uỷ ban An toàn lao động quốc gia đã chính thức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19".

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta và Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một trong các Quyền cơ bản của người lao động được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, mặc dù đã cố gắng kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Cụ thể, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công. Số người bị tai nạn đến các cơ sở khám, điều trị là 18.951 người, trong đó khám điều trị lần đầu là 12.884 người.

"Thời gian qua, những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy có giảm nhưng còn lớn, gây ra những nỗi đau tinh thần và thể xác cho biết bao gia đình, nỗi buồn đau thấu tâm can với những người thân, với những người mẹ, người vợ và con thơ", ông Dung nói.

Bộ trưởng LĐTBXH nhấn mạnh những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu. Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; Không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây cũng chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.


Tháng an toàn lao động, công nhân chú trọng chăm lo đời sống cho công nhân lao động 

Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Đình Khang- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phát động Tháng Công nhân năm 2022 với chủ đề "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng".

Để hoạt động thực sự có hiệu quả, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống công đoàn, đoàn viên, người lao động và cả xã hội về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng Công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

an toàn lao động

Đại diện Ủy ban Quốc gia về An toàn lao động trao quà cho các nạn nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: M.D

Tổng liên đoàn cũng đã chọn, triển khai có hiệu quả định hướng 10 hoạt động theo kế hoạch và 4 hoạt động trọng tâm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về tổ chức Tháng Công nhân gắn với triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022.

Trọng tâm của Tháng Công nhân là chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách, thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động.

Ông Nguyễn Đình Khang yêu cầu các cấp công đoàn chủ động và phối hợp tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách giờ làm thêm: "số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội"; Quyết định số 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động. Đây cũng là cách để tổ chức công đoàn các cấp kiểm soát an toàn vệ sinh, giảm thiểu tai nạn lao động. 

Cũng trong chiều nay (28/4) Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2022. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức vào tháng An toàn vệ sinh lao động. Tại buổi đối thoại, đã có hàng chục câu hỏi liên quan tới các vấn đề: Thống kê, giám sát số vụ tai nạn lao động tại cấp xa; việc thực hiện công tác huấn luyện, tuyên truyền an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp; công tác thanh tra giám sát thực hiện an toàn...

Kết thúc buổi đối thoại, hội đồng đã đưa ra nhiều kết luận và chỉ tiêu để các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem