Phát hiện, kiến nghị xử lý gần 18.500 tỷ đồng

Thứ năm, ngày 06/06/2013 09:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) ngày 5.6, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, gây bức xúc cho xã hội.
Bình luận 0

Theo Tờ trình, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả kinh phí từ ngân sách Nhà nước (NSNN) được giao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

img
Lãng phí trong sử dụng đất đai vẫn chưa được giải quyết.

Từ năm 2006-2010, các đơn vị ngành tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí từ NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: Thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng.Từ 2006 - tháng 7.2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Để có căn cứ thực hiện và đánh giá được việc thực hiện tiết kiệm hay không tiết kiệm, có lãng phí hay không lãng phí thì phải quy định được các nội dung về chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể trong quản lý, sử dụng các nguồn lực; Biện pháp chế tài tương xứng, mang tính răn đe để áp dụng trong trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những quy định này còn thiếu trong Dự án luật.

Ngoài ra, ông Đinh Tiến Dũng còn nêu rõ: Trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước vẫn còn cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước chưa đạt hiệu quả cao trong quản lý nhà nước. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa ý thức được việc cần thiết phải áp dụng những biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất kinh doanh nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp...

Quyết liệt hơn để tránh luật chậm, “treo”

Tại phiên thảo luận sáng 5.6 khi góp ý vào Chương trình xây dựng, Pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình năm 2013 của Quốc hội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực tế, có những luật khi Quốc hội họp rồi thì mới đưa ra báo cáo thẩm tra (như Luật Tiếp công dân), có những luật không có tờ trình của Chính phủ khiến Quốc hội luôn vào thế bị động. ĐB Cương phân tích: “Nguyên nhân khách quan là do một số sáng kiến xây dựng luật chưa tốt nên một số dự án luật chưa được chuẩn bị thấu đáo, đến khi giải trình nói thì hay nhưng lúc xây dựng lại vướng, khó làm. Thậm chí, có khi đề xuất hay nhưng đưa vào thì đã có quy định ở một số luật”.

Ông Cương cũng nêu luôn giải pháp: “Có ý kiến coi việc chậm trễ này là căn bệnh trầm kha và không có thuốc chữa. Nhưng theo tôi thì có thể chữa được, đó là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và thái độ của Thủ tướng. Tôi thấy có nhiều vấn đề khó, nhưng khi Chính phủ vào cuộc quyết liệt đều mang lại hiệu quả cao”.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thì khẳng định: Nhiều cử tri kiến nghị, luật được ban hành nhiều nhưng sau đó lại không đi vào cuộc sống. Nhiều luật có những điều khoản chung chung, chưa chạm tới những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Có nhiều kế hoạch được đề ra để khắc phục tình trạng này nhưng cuối cùng luật vẫn cứ “treo” mãi.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết: “Muốn bảo đảm tiến độ xây dựng và ban hành luật phải tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tư pháp”. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đi sâu vào việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với kiến nghị: “Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là với những dự án luật đã được phân công thực hiện nhưng lại xin rút khỏi chương trình để tìm hiểu nguyên nhân do đâu. Việc làm rõ vấn đề này sẽ giúp việc xem xét, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn có căn cứ”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem