Phạt tới 3 tỷ đồng nếu tung tin đồn chứng khoán

Quỳnh Chi Thứ hai, ngày 20/07/2020 18:55 PM (GMT+7)
Cá nhân, tổ chức có thể bị phạt 2-3 tỷ đồng nếu cố tình nêu quan điểm về chứng khoán, tổ chức phát hành nhằm gây ảnh hưởng giá.
Bình luận 0

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa công bố dự thảo lần thứ hai về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền tối đa 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, 3 tỷ đồng đối với tổ chức.

img

Sẽ cảnh cáo và phạt tiền tối đa 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, 3 tỷ đồng đối với tổ chức nếu cố tình tung tin đồn chứng khoán

Riêng đối với vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt dao động 2-3 tỷ đồng trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật. Nếu có khoản thu nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng vi phạm bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền gấp 10 lần khoản thu đó.

Thao túng, theo nghị định, là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản hoặc thông đồng với người khác liên tục mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả. Việc đặt lệnh mua bán cùng loại chứng khoán trong ngày mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong một nhóm thông đồng với nhau cũng được xem là thao túng.

Nghị định còn liệt kê thêm 4 hành vi khác là dấu hiệu của việc thao túng, trong đó có đưa ra ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về chứng khoán hoặc tổ chức phát hành nhằm gây ảnh hưởng đến giá sau khi đã giao dịch.

Ngoài việc buộc nộp lại khoản thu bất chính, đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán 12-24 tháng đối với hành vi thao túng. Trong khi đó, một số hình thức xử phạt cho các vi phạm khác là đình chỉ hoạt động chào mua công khai, kinh doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán, tịch thu tang vật.

Còn nhớ, thời điểm năm 2019, dù không có thông tin chính thức nào được đưa ra nhưng khi có tin đồn về cuộc chiến giữa Masan (công ty sở hữu nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng) và nước nắm truyền thống thì doanh nghiệp này đã phải chịu tổn thất nặng nề. Cụ thể, giá cổ phiếu MSN mất 3.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 3,67% giá trị từ ngày 8/3 – 16/3. Điều này khiến hơn 4.000 tỷ đồng vốn hóa của Masan bỗng dưng ‘đội nón ra đi' chỉ vì một tin đồn ‘từ trên trời rơi xuống'.

Hay như cuối năm 2018, khi có tin đồn làm lộ thông tin khách hàng, giá cổ phiếu của Thế giới di động cũng có một phen lao đao khi từng có lúc giảm tới 2.000 VNĐ, tương đương với 1,8% giá trị.

Có thể thấy, tin đồn dù được hay không được kiểm chứng cũng mang lại tác động rất to lớn trên sàn chứng khoán tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam thì trong những năm gần đây, khi mà cơ chế thị trường phát triển, tin đồn thất thiệt đang mang đến ảnh hưởng rất lớn.

Dân ‘có nghề' trong ngành chứng khoán thường sử dụng từ ‘đội lái' để nói về những người chuyên tạo ra những tin đồn nhằm đạt được mục đích của mình. Họ tung ra thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng nhằm thao túng giá chứng khoán, khiến các cổ phiếu lên xuống theo ý đồ riêng. Theo ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì tại một thị trường còn non trẻ như Việt Nam thì tin đồn hiện vẫn còn ‘đất sống'. Những thông tin này được lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội và gây sức ảnh hưởng lớn.

Theo các chuyên gia, khi có tin đồn thất thiệt trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải là đơn vị đầu tiên đưa ra thông tin chính xác bằng cách cải chính, phản bác hoặc cung cấp thông tin. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn và tránh ảnh hưởng đến tâm lý.

Theo ông  Nguyễn Thế Thọ, hành vi thao túng thị trường, tạo ra thông tin giả ngoài bị xử phạt hành chính rất nặng sẽ còn bị xử lý theo Luật hình sự.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem