Phát triển làng nghề truyền thống giúp Quảng Nam giải quyết hàng nghìn lao động tại nông thôn
Được biết, những năm qua, hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (đã giải quyết trên 4.400 lao động), đặc biệt là lao động ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động nữ; giúp bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi miền quê; tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch và trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Qua rà soát, thống kê, hiện nay toàn tỉnh hiện có 30 làng nghề, làng nghề truyền thống (với 8 làng nghề, 22 làng nghề truyền thống) và 40 nghệ nhân, thợ giỏi được công nhận trên tổng số 2.217 cơ sở (6 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 2.205 hộ gia đình).
Hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu được lồng ghép từ nguồn kinh phí sự nghiệp như khuyến công, Chương trình xây dựng NTM,... trong đó có nguồn kinh phí từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã công nhận 19 sản phẩm OCOP của 17 chủ thể tại 14 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 17 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao. Năm 2021, có 7 sản phẩm làng nghề tham gia Chương trình OCOP và đã được công nhận. Bình quân 1 sản phẩm tham gia sẽ được hỗ trợ từ 120 - 150 triệu đồng để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển hoàn thiện sản phẩm…
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục định hướng, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển hơn nữa, trong đó có Chương trình OCOP; đồng thời rà soát, đánh giá để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.