"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo

Nguyệt Minh Thứ hai, ngày 26/06/2023 14:15 PM (GMT+7)
Không chỉ mang đến cho bệnh nhân, những người gặp hoàn cảnh khó khăn suất ăn miễn phí, những người thực hiện chương trình “Bữa cơm yêu thương” đã không ngừng cố gắng, nỗ lực biến Phiên Chợ Trái Tim thành gia đình thứ 2 cho họ.
Bình luận 0


"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo. Thực hiện: Nguyệt Minh.

“Tôi coi nơi đây là nhà”

Đồng hồ sắp điểm 10 giờ, ông Đào Minh An (72 tuổi, Lào Cai) vui vẻ từ bệnh viện đi đến địa điểm tổ chức chương trình “Bữa cơm yêu thương”. Nơi đây đã trở nên quen thuộc và là điểm đến không thể thiếu vào thứ 7 của ông.

Đối với ông An, điều khiến ông đến với chương trình không chỉ có những suất cơm nghĩa tình. Cao cả hơn nữa, ông An cảm thấy hạnh phúc khi được gặp những con người đầy nhiệt huyết của “Bữa cơm yêu thương”.

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 1.

Nhà báo Tống Hương - Phó trưởng Ban Ban đọc, phụ trách Nhịp Cầu Nhân Ái ân cần hỏi thăm người đến dùng bữa tại "Bữa cơm yêu thương". Ảnh: Nguyệt Minh

Ở nơi đất khách quê người, lại cùng với nỗi nhớ con cháu, nhiều lúc ông Khánh phải giấu nỗi buồn trong lòng. Bởi ông đang là chỗ dựa lớn nhất cho người vợ đang mắc bệnh hiểm nghèo của mình.

Từng là chiến sĩ thời kỳ kháng chiến cứu nước, từng bôn ba khắp những mặt trận đầy lửa đạn, những tưởng với những hy sinh khi còn trẻ đó sẽ khiến cuộc đời ông về sau sẽ vơi bớt phần sóng gió. Thế nhưng giờ đây khi tuổi già, ông cùng vợ của mình lại phải dành phần lớn thời gian ở bệnh viện để chiến đấu với bệnh tật. 

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 2.

"Bữa cơm yêu thương" đã trở thành điểm đến quen thuộc vào thứ 7 của ông Đào Minh An (72 tuổi, Lào Cai). Ảnh: Nguyệt Minh

Ở tuổi này, thứ ông An mong cầu nhất chính là sức khỏe và hơi ấm của một gia đình đông đủ. Điều tưởng chừng như chẳng có gì phi thường lại chính là mơ ước rất khó thực hiện của ông. 

Gặp chúng tôi, ánh mắt ông An như ánh lên niềm vui, ông thoải mái chia sẻ: “Đến nơi đây, tôi thấy rất nhẹ lòng, cảm giác như được về nhà, được ngồi trò chuyện cùng con cháu của mình. Cuối cùng thì dù ở viện, tôi cũng có thể cảm nhận hơi ấm của gia đình mỗi khi đặt chân đến đây”.

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 3.

Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ lấy những suất ăn 0 đồng. Ảnh: Nguyệt Minh.

Đã từ lâu, ông Khánh coi “Phiên Chợ Trái Tim” chính là mái nhà thứ 2 của mình, nơi mang đến cho ông những năng lượng tích cực để có thể cùng vợ vượt qua bệnh tật. “Chẳng ai mong muốn ở mãi trong viện, nhưng có duyên được gặp những cô chú ở đây là cơ duyên mà tôi rất trân trọng” - ông An nói.

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Cũng như ông Khánh, mỗi khi đến với “Phiên Chợ Trái Tim” là mỗi lần trong lòng bà Lê Thị Thành (67 tuổi, Hà Tĩnh) đều rưng rưng những niềm xúc động. Bà Thành bày tỏ: “Chúng tôi là những người khó khăn, chẳng có tiền của hay địa vị, thế nhưng khi đến đây chúng tôi cảm thấy mình được tôn trọng. Từ khi bước vào cửa, đến khi ngồi vào ghế, hay khi đi lấy cơm và đến cả khi ra về chúng tôi đều được phục vụ tận tình”.

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 4.

Từng phần ăn được các tình nguyện viên trân trọng phục vụ từng thực khách đặc biệt. Ảnh: Nguyệt Minh

Nói rồi, bà Thành minh chứng cho chúng tôi bằng cách phân tích những hoạt động trong căn bếp, từ những bạn trẻ đang đứng trực ở cửa ra vào, đến đội ngũ thu phiếu phát cơm mang về, và cả đội được phân công chốt trực để mang những suất ăn tại chỗ nhanh nhất đến khu vực ăn.

“Chúng tôi còn cầu mong gì hơn nữa, mọi người ở đây quá nhiệt tình và chu đáo. Tôi cảm giác mình được đối xử như chính người thân trong gia đình các con chứ không phải một người xa lại” - Bà Thành tâm sự.

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Thành (67 tuổi, Hà Tĩnh) hạnh phúc mang suất ăn về trong sự quan tâm ân cần của các tình nguyện viên. Ảnh: Nguyệt Minh.

Khu vực bàn ăn tại chỗ được chương trình “Bữa cơm yêu thương” sắp xếp chỉ sau 3 tuần triển khai. Bà Phí Thị Thu Hà - Quản lý “Phiên chợ trái tim” chia sẻ: “Sau thời gian chạy chương trình những lần đầu, chúng tôi cảm thấy cần phải có khu vực ăn tại chỗ. Trước hết chủ yếu phục vụ cho người nhà bệnh nhân khi họ đến lấy đồ ăn cho bệnh nhân. 

Sau đó, chúng tôi cũng muốn chính những bàn ăn là nơi kết giao, giúp mọi người dù xa lạ có thể trò chuyện, tâm sự và chia sẻ cùng nhau”.

"Phiên Chợ Trái Tim” - Gia đình mới của những bệnh nhân nghèo  - Ảnh 6.

Những nụ cười hạnh phúc chính là thành quả mà những người làm chương trình "Bữa cơm yêu thương" luôn trân trọng. Ảnh: Nguyệt Minh

Tại những bàn ăn có phần đơn giản này, có những câu chuyện nặng trĩu giữ kín bấy lâu đã được chia sẻ. Cũng có những giọt nước mắt đã rơi, nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc, sự đồng cảm của những con người dù có hay không cùng một cảnh ngộ. 

Nhà báo Tống Hương - Phó trưởng Ban Bạn đọc, phụ trách Nhịp Cầu Nhân Ái, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt bày tỏ: “Tất cả mọi người đều có những câu chuyện riêng, những hoàn cảnh riêng, nhưng khi đã đặt chân đến với “Bữa cơm yêu thương” đều được coi trọng, đều xứng đáng được yêu thương như những thân trong một gia đình”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem