Phổ cập giáo dục mầm non: Trẻ dưới 5 tuổi bị “ra rìa”

Thứ năm, ngày 13/10/2011 06:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, thay bằng việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nhiều nơi đã tìm cách giảm tỷ lệ nhận trẻ em dưới 5 tuổi đến trường để nhường lớp cho đối tượng được phổ cập.
Bình luận 0

Lãng phí độ tuổi “vàng”

Theo bà Đặng Thị Sáu – Phó Chánh văn phòng Hội Khuyến học Hà Nội: “Hiện nay, Hà Nội có tới hơn 800 trường công lập và ngoài công lập, nhưng mới chỉ thu hút được 26,8% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 83,5% số trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Nếu đưa đủ số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thì sẽ không có đủ phòng học cho các lứa tuổi khác. Vì vậy số trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi được đi học đang có xu hướng giảm dần”.

img
Thiếu trường lớp, khó hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi và trẻ dưới 5tuổi cũng ít cơ hội được đi học.

Trước đây, Trường Mầm non Việt - Bun và Trường Mầm non 20.10 (Hà Nội) là nhà trẻ tiếp nhận trẻ từ 2 - 36 tháng tuổi, nhưng đến nay để thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, số lớp nhà trẻ đã giảm chỉ còn 2 trong tổng số 18 lớp và không còn tồn tại nhóm trẻ dưới 12 tháng nữa. Tình trạng này diễn ra ở rất nhiều các thành phố lớn khi mà mật độ gia tăng cơ học ngày càng cao.

PGS -TS Lê Thị Ánh Tuyết – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) phân tích: “Không có trường để gửi trẻ, nhiều gia đình buộc phải tìm đến hệ thống trường tư thục, nhóm trẻ tư nhân. Tuy nhiên, các trường này cũng rất “kén” học sinh. Họ ngại nhận lứa tuổi từ 3 - 12 tháng vì phải đầu tư nhiều công sức và thời gian, trẻ thì ít mà số cô lại phải nhiều, các trường tư thục không có đủ kinh phí để trả lương cho giáo viên”.

Không có nơi gửi trẻ, trẻ ở lứa tuổi này hầu hết được các nhóm trẻ gia đình tự phát nhận trông hoặc được giao cho người giúp việc hay ông bà nội ngoại. Theo tiến sĩ Phạm Mai Chi - Viện Nghiên cứu phát triển trẻ thông minh sớm (VICER): “Đây chính là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non, chúng ta đã bỏ qua thời kỳ “vàng” trong phát triển tư duy và trí thông minh của trẻ. Hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường giáo dục là tình trạng trẻ em chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ... ngày càng gia tăng”.

Mỗi nhà cao tầng 1 trường mầm non

Đề xuất kiến nghị giải quyết vấn đề này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Chủ tịch “Liên minh giáo dục cho mọi người” cho biết: “Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, mà cụ thể là cấp đất xây trường”.

Cũng theo PGS-TS Nhĩ, trong khi hiện nay các thành phố lớn rất ưu tiên đất đai cho việc xây chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị mới, khu công nghiệp… thì lại quá “khắt khe” với chế độ dành đất xây trường. Tại Hà Nội, một số nơi có đầu tư nhưng quá ít ỏi như khu nhà 4 toà nhà 29 tầng ở Trung Hoà - Nhân Chính chỉ có 1 trường mầm non, khu Định Công đã dành 2 chỗ để xây trường nhưng giá thuê đất quá cao, không ai dám làm…

Ông Nhĩ đề xuất, Nhà nước cần phải quy định mỗi toà nhà cao tầng khi đưa vào sử dụng cần phải dành một địa điểm cho ít nhất một trường mầm non hoạt động để phục vụ dân cư trong toà nhà. Ở vùng nông thôn, ngoại thành cần thực hiện xã hội hoá giáo dục mầm non. Nếu không có đất xây trường có thể tìm nhà dân đủ điều kiện mở để thuê phòng mở lớp, chia thành các lớp nhỏ, có sự đầu tư và kiểm tra giám sát của các phòng giáo dục địa phương về chất lượng đào tạo và điều kiện giáo dục.

Còn ông Nguyễn Thế Tiến – Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì cho biết: “Việc thiếu trường mầm non trong các khu công nghiệp hiện nay là vấn đề rất bức xúc, như TP.HCM, số trẻ di cư ở đây đã lên đến 180.000 trẻ mà không có trường. Nhà nước cần phải có chế tài đối với các doanh nghiệp, buộc họ xây trường cho con em công nhân”.

Nhiều địa phương gặp khó

Bà Hoàng Thị Thắng -Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện tỉnh Bắc Giang còn 69, 6% số trẻ chưa được ra nhóm lớp, trong đó hầu như là trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ ra các nhà, nhóm trẻ và không đồng đều giữa các vùng miền. Trong đó các vùng khó khăn thì nhóm nhà trẻ chỉ được 4% ra lớp, phần lớn trẻ nhỏ đều ở nhà cho ông bà trông nom. Việc tỷ lệ trẻ em độ tuổi nhà trẻ ít ra lớp chủ yếu là do khó khăn về cơ sở vật chất”.

Bà Lê Thị Hoà - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hoà thì cho biết: “Đặc thù của tỉnh có 46 xã, phường thuộc vùng ven biển, bán đảo và đảo xa, vì vậy việc đưa trẻ ra lớp ở 5 tuổi đã khó huống gì dưới độ tuổi này. Việc cho các cháu đến trường với mức học phí mỗi tháng 60.000 đồng rất khó khăn với nhiều gia đình mặc dù giáo viên đến tận nhà để vận động. Trong khi đó các xã ven biển hầu hết không có các lớp bán trú. Việc xã hội hoá trường mầm non tại các đảo không thể thực hiện được nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem