Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tránh để đường cao tốc thành đê chắn nước, gây ngập úng

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 05/09/2023 15:07 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị có liên quan tính toán đến các vấn đề thoát lũ, hệ thống cống thoát nước, lưu lượng thoát nước khi triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL; tránh tình trạng trở thành đê chắn nước gây ngập úng cho thành phố, các địa phương, ảnh hưởng đến sinh thái của vùng.
Bình luận 0

Sáng nay 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Tránh để đường cao tốc thành đê chắn nước, gây ngập úng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Xây

Địa điểm Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến kiểm tra đầu tiên là nút giao IC2 tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Tại đây, báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đơn vị triển khai dự án cho biết, về tiến độ giải phóng mặt bằng đạt khá tốt, đạt trên 98% (trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 99%), còn 120 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Những hộ chưa bàn giao mặt bằng rơi vào vị trí các nút giao, dọc kênh rạch, các khu vực tập trung đông dân cư đang chờ được bố trí tái định cư.

Về tiến độ thi công, đơn vị triển khai dự án cho biết, đạt khoảng 9%.

Toàn bộ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được bố trí hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2023, đến nay đã giải ngân hơn 66%.

Theo đơn vị triển khai dự án, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cát, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Toàn tuyến cao tốc này cần 18,5 triệu m3 cát. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã có cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát, dự án hiện đã lấy được 400.000m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất, Đồng Tháp cũng giới thiệu thêm 5 mỏ cát khác, các đơn vị thi công đang triển khai các thủ tục để tiếp nhận.

An Giang cũng đã có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm nay và đã giao 4 mỏ cát cho dự án, hiện đã lấy được 100.000m3 cát thì dừng lại vì vướng điều tra, thanh tra.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc hút cát sông sẽ có những rủi ro nhưng các địa phương cần phải tiên liệu được.

"Các địa phương nâng công suất hút cát nhưng phải lấy vấn đề môi trường và giám sát vấn đề sạt lở là ưu tiên" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng trong những dự án tương tự nếu đáp ứng đủ các tiêu chí, thay cho các mỏ cát ở trên sông.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Tránh để đường cao tốc thành đê chắn nước, gây ngập úng - Ảnh 2.

Tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đạt khoảng 9%. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài vấn đề thiếu cát phục vụ cho dự án cao tốc ở ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị có liên quan tính toán đến các vấn đề thoát lũ, hệ thống cống thoát nước, lưu lượng thoát nước.

Bởi nếu tính toán, đánh giá sai những con đường sẽ trở thành đê chắn nước gây ngập úng cho thành phố, các địa phương, ảnh hưởng đến sinh thái vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng còn lưu lý, hiện có tình trạng các tuyến đường làm chưa xong mà đã ngập lụt, tức là cao độ của đường và cao độ của lũ đã không được nghiên cứu khảo sát.

"Nếu đường đã trải nhựa xong mà ngập lụt một vài lần là đi hết, chi phí bảo hành sẽ rất lớn. Các đơn vị triển khai các dự án đường cao tốc phải hết sức chú ý" - Phó Thủ tướng nói.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, trong đó qua địa bàn TP.Cần Thơ khoảng 600m, qua tỉnh Hậu Giang hơn 37km, với tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, với tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem