Phòng vệ thương mại: “Không chỉ ứng phó các vụ khởi xướng điều tra mới”
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện tại, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, các vụ việc nói trên bao gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ.... Trong 3 quý đầu năm 2020, tổng số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là 30 vụ việc, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (10 vụ).
"Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ (39 vụ), Ấn Độ (26 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Canada và Australia (cùng 16 vụ việc)", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực trong quá trình kháng kiện với thành công 65/151 vụ việc, chiếm tỷ lệ 43%, cao hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới.
Đối với các vụ việc về điều tra chống trợ cấp, Việt Nam đã xử lý thành công các cáo buộc liên quan tới chính sách ưu đãi của Chính phủ, dẫn đến việc trong nhiều vụ việc, cơ quan điều tra kết luận thuế suất chống trợ cấp ở mức trợ cấp không đáng kể.
Ngoài ra, với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan để tiến hành tham gia đàm phán, thỏa thuận song phương.
"Do đó, trong 5 vụ Việt Nam tiến hành khiếu nại tại Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, có 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực. Ngoài ra, 2 vụ việc còn lại vẫn đang trong giai đoạn xét xử tại WTO", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại nhận định, bên cạnh các vụ việc điều tra mới khởi xướng, việc theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp rà soát các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh nhằm giữ thị trường truyền thống cũng không kém phần quan trọng.
"Điển hình là các vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm, cá tra do Hoa Kỳ điều tra, áp dụng từ những năm 2002. Tính đến hết năm 2019, sản phẩm tôm đã trải qua 14 lần rà soát, sản phẩm cá tra đã trải qua 15 lần rà soát. Trong mỗi lần rà soát, doanh nghiệp và chính phủ đều phải đầu tư nguồn lực để xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trong thương mại quốc tế, Bộ Công Thương luôn đồng hành và có những phương án xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá nhưng sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam vẫn đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn, giữ ổn định thị trường trong suốt những năm qua", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.