Phú Thọ: Thiếu hơn 3.000 giáo viên ở các cấp học

Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 01/09/2022 17:50 PM (GMT+7)
Năm học 2022 - 2023, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thiếu trầm trọng giáo viên, khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận 0

Thiếu hơn 3.000 giáo viên và không có nguồn tuyển dụng

Theo thống kê của Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ, năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu hơn 3.000 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, thiếu gần 2.000 giáo viên bậc mầm non, còn lại thiếu chủ yếu là giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học, giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THPT.

Tình trạng thiếu giáo viên do hai lý do chính, không có biên chế hoặc có biên chế nhưng không có nguồn tuyển.

Trước đó, trong năm học 2021-2022, các trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cơ bản bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1, 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục mới.

Phú Thọ: Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới - Ảnh 1.

Phú Thọ đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy một số bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật… Ảnh: Trà My

Tuy nhiên, với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm nay đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy một số bộ môn như: Tin học, Tiếng anh, Âm nhạc, Mỹ thuật… Lý do là giáo viên thuộc biên chế những môn học trên tại các trường hầu như không có hoặc có rất ít, trong khi nguồn tuyển bổ sung khó khăn.

Tại huyện Tân Sơn có 19 trường học cấp tiểu học (17 trường tiểu học và 2 trường liên cấp), nhưng chỉ có 9 giáo viên Tin học biên chế ở cấp học này.

Như vậy, theo chỉ tiêu biên chế được giao (căn cứ vào số lượng học sinh), toàn huyện Tân Sơn còn thiếu 14 giáo viên Tin học. Đáng nói, hiện không có nguồn giáo viên chuyên về Tin học để tuyển dụng.

Tương tự, tại huyện Hạ Hòa có 28 trường Tiểu học nhưng chỉ có 13 giáo viên Tin học ở cấp này.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Hòa, dù có sự chủ động về nguồn giáo viên từ 2-3 năm trước nhưng đến nay mới cơ bản tuyển đủ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, còn giáo viên môn Tin học rất khó tuyển do không có nguồn giáo viên.

Đối với cấp THPT (lớp 10), năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Ngoài 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh phải chọn 4 trong 9 môn lựa chọn. Trong đó, 3 môn gồm: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật, đa số các trường THPT trên địa bàn tỉnh không tổ chức dạy, vì lý do không có giáo viên.

Ông Đào Mạnh Thắng, Trưởng Phòng GDĐT TP.Việt Trì cho biết, trong năm học 2022-2023, cấp tiểu học phải hợp đồng 80 giáo viên, cấp THCS 60 giáo viên. Trong đó, ở cấp học mầm non, so với biên chế được UBND tỉnh giao còn thiếu 63 giáo viên, cấp tiểu học còn thiếu 14 giáo viên, cấp THCS thiếu 87 giáo viên…

Trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, một số đơn vị vùng ven thành phố hoặc những đơn vị quy mô nhỏ (dưới 15 lớp) khó hợp đồng được giáo viên, nhất là chuyên ngành Tin học và Tiếng Anh.

Do đó, các trường phải bố trí giáo viên dạy tăng buổi, hợp đồng thêm giáo viên, điều động một số giáo viên còn mất cân đối (thừa) sang đơn vị thiếu để đảm bảo mặt bằng lao động.

Tuy nhiên kinh phí chi trả lương cho giáo viên dạy tăng buổi, giáo viên hợp đồng quá lớn, khó đảm bảo quy định. Việc thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Dạy liên trường, liên cấp để khắc phục thiếu giáo viên

Thầy Đặng Quang Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP.Việt Trì) cho biết: "Hiện tại nhà trường thiếu 6 giáo viên (Tin học, Lịch sử, Toán, Tiếng Anh, Sinh học, Thể dục). Khắc phục tình trạng này, trước mắt nhà trường tạm thời hợp đồng 4 giáo viên dạy môn: Tin học, Toán, Sử và Tiếng Anh, còn lại giáo viên sẽ kiêm nhiệm dạy thêm.

Phú Thọ: Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới - Ảnh 2.

Trước mắt, Phú Thọ sẽ điều động giáo viên dạy liên trường, liên cấp để khắc phục thiếu giáo viên. Ảnh: Trà My

Thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Hòa) nhấn mạnh, đối với số giáo viên Tin học còn thiếu, trước mắt, Phòng sẽ động viên, bố trí sắp xếp mỗi giáo viên có thể dạy 2-3 trường gần nhau hay tăng cường giáo viên Tin học ở cấp THCS sang dạy cho cấp Tiểu học, đảm bảo đủ cơ cấu số tiết, khoảng cách di chuyển giữa các trường phải thuận lợi, hợp lý…

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Phú Thọ cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn học mới của các cấp học.

Sở GDĐT cũng phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các trường. Tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới.

"Lâu dài, để khắc phục những khó khăn về giáo viên, Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ thực hiện đào tạo tại chỗ số lượng giáo viên hiện có để phục vụ lâu dài. Cụ thể, những giáo viên dôi dư có trình độ trung cấp Tin học được định hướng đi bồi dưỡng để dạy Tin học ở bậc tiểu học.

Trước mắt, thực hiện luân chuyển, điều động giáo viên môn đặc thù dạy liên trường, liên cấp để bảo đảm đủ giáo viên ở các môn học. Một số giáo viên có thể dạy hai trường trong cùng cấp hoặc kiêm nhiệm dạy hai cấp là tiểu học, THCS hoặc THCS, THPT, các trường có thể linh hoạt áp dụng các giải pháp trước mắt này để thực hiện cho năm học tới.

Đối với cấp THPT, Sở cũng đã hướng dẫn các trường rà soát giáo viên, xây dựng phương án để xây dựng tổ hợp, giúp học sinh có thể lựa chọn các môn phù hợp với nguồn giáo viên của mỗi trường", ông Nguyễn Văn Mạnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem