Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Cựu Thiếu tướng "ân hận đến tột cùng chắc chắn không bao giờ xóa hết được"

Bách Thuận Thứ năm, ngày 29/12/2022 12:19 PM (GMT+7)
Nói lời sau cùng trong phiên phúc thẩm vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu, các tướng, tá quân đội đều thừa nhận sai phạm trong vụ án.
Bình luận 0

Tất thảy đều thừa nhận sai phạm khi nhận hối lộ

Ngày 29/12, Tòa án Quân sự Trung ương bước sang ngày làm việc thứ 3 trong phiên phúc thẩm, xét kháng cáo của các bị cáo là các cựu Thiếu tướng, cựu đại tá cùng nhiều người khác ở vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu.

Vụ án có 9 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm, gồm: Lê Văn Minh – cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Lê Xuân Thanh – cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Nguyễn Thanh Lâm – cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; Phạm Văn Trên - cựu đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng – cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thế Anh – cựu Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Văn An – (SN 1989, Thanh Hóa, em họ Nguyễn Thế Anh); Phạm Hồ Hải – cựu Trưởng địa diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh; Lê Văn Phương - cựu Phó phòng Cánh sát giao thông Công an Trà Vinh.

Án sơ thẩm tuyên phạt nhóm các bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ" như sau:

Lê Văn Minh 15 năm tù; Lê Xuân Thanh 12 năm tù; Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù; Phạm Văn Trên 10 năm tù; Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù; Nguyễn Văn An 15 năm tù; Phạm Hồ Hải 3 năm 6 tháng tù; Lê Văn Phương 3 năm 6 tháng tù.

Phúc thẩm các tướng, tá quân đội nhận hối lộ: Tất cả đều thừa nhận việc nhận tiền - Ảnh 1.

Nói lời sau cùng, các cựu tướng, tá quân đội trong vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu đều mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Trung Đức

Với Nguyễn Thế Anh, tòa sơ thẩm phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ" và 2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", tổng hợp tù chung thân.

Trước khi bước vào nghị án và tuyên án vào chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh nói bản thân đã thừa nhận hành vi tại phiên tòa phúc thẩm, ông cũng khai báo rất thành khẩn khi được nói lời sau cùng. Ông Nguyễn Thế Anh gửi lời xin lỗi đến lực lượng Bộ đội Biên phòng vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng.

Bị cáo này nói đang mang thương tích, có nhiều đóng góp cho lực lượng, mong Hội đồng xét xử xem xét công tâm để được hưởng mức án nhẹ nhất.

Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh thì trình bày rất ân hận, "nỗi ân hận đến tột cùng chắc chắn không bao giờ xóa hết được". Theo bị cáo Minh, ông ta thấy được sự khoan hồng của tòa sơ thẩm, tuy nhiên mức án 15 năm là quá nặng nề. Ông Minh cũng gửi lời xin lỗi lực lượng Cảnh sát biển, người thân, bạn bè.

Một cựu Thiếu tướng khác là bị cáo Lê Xuân Thanh cũng thừa nhận sai phạm khi nói lời sau cùng. Vị cựu Thiếu tướng này mong được giảm nhẹ hình phạt so với bản án sơ thẩm.

Các bị cáo còn lại cũng đều mong muốn Hội đồng xét xử đánh giá hồ sơ, chứng cứ, tài liệu để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Cựu đại tá quân đội đề nghị làm rõ việc "bảo kê"

Trước đó, xét kháng cáo của 9 bị cáo, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nêu quan điểm, đối với cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, Viện Kiểm sát ghi nhận sau phiên sơ thẩm, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án.

Đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ, xin giảm án, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh và số tiền đã nhận là 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.

Đánh giá về các vấn đề, Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo khác cùng những người liên quan đã có lời khai về việc sau khi hành vi buôn lậu của Phan Thanh Hữu ("trùm" buôn lậu, địa chỉ ở TP.HCM) bị phát hiện, Anh đã đưa tiền cho An đi trốn ra nước ngoài nhằm che giấu hành vi nhận hối lộ.

Phúc thẩm các tướng, tá quân đội nhận hối lộ: Tất cả đều thừa nhận việc nhận tiền - Ảnh 2.

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh trình bày đã thừa nhận vi phạm, mong Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá cho hưởng mức án nhẹ nhất. Ảnh: Tòa án Quân sự

An khai sau khi Hữu bị bắt, bị cáo Anh đã gặp An ở Phú Quốc rồi bảo đi sang Lào một thời gian. Cơ quan chức năng cũng thu thập được nhiều tài liệu khác, trong đó có danh sách liên lạc điện thoại giữa An và bị cáo Anh từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020.

Ở giai đoạn điều tra, bị cáo Anh cũng thừa nhận đã nhận 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD từ Phan Thanh Hữu. Phía Viện Kiểm sát thấy truy tố Nguyễn Thế Anh về tội "Nhận hối lộ" là đúng pháp luật.

Ở một diễn biến khác, cựu Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang được ghi nhận đã 2 lần tác động gia đình nộp khắc phục tổng số tiền 5,6 tỷ đồng. Bị cáo đã thể hiện sự thành khẩn nên Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ mới này cho bị cáo Anh.

Tự bào chữa trước tòa, vị cựu đại tá đề nghị đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương xem xét lại cáo buộc mình nhận hối lộ để "bảo kê" cho hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh đề nghị cần làm rõ việc "bảo kê", hình thức "bảo kê" vì nếu "bảo kê" thì Hữu phải nhắn tin số tàu, tên tàu, hướng đi nào, vị trí neo đậu nào cho Nguyễn Thế Anh để Anh nếu "bảo kê" phải chịu trách nhiệm về hoạt động buôn lậu của Hữu.

Bị cáo là cựu Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cũng lập luận, nếu cáo buộc ông này "bảo kê" thì cần làm rõ ông ta đã đưa tiền cho ai, thủ trưởng nào và đưa bằng hình thức nào, thời gian nào để các đơn vị thấy tàu của Hữu thì lờ đi cho qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem