TTVH Online

Lộ lý do khiến TikTok Shop trở thành nơi "nuôi dưỡng" hàng giả, hàng nhái (Bài 3)

Phong Cầm 08/05/2023 10:00 GMT+7

TikTok khẳng định đã đưa ra các điều khoản nghiêm cấm bán các sản phẩm kém chất lượng, nhưng vấn nạn gian lận vẫn lớn lên trên TikTok Shop.

Xử phạt vi phạm bán hàng nhái trên TikTok, Facebook.. còn thiếu tính răn đe?

TikTok nói riêng, các sàn thương mại điện tử nói chung đều có cách hoạt động tương đối giống nhau. Theo đó, nơi livestream bán hàng thường được đặt tại một địa điểm riêng, kho lưu chứa sản phẩm lại ở vị trí khác. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng thực hiện biện pháp tiếp cận, kiểm soát và ngăn chặn khi có dấu hiệu vi phạm, ngay cả khi nếu so sánh về đơn giá, hình thức với sản phẩm chính hãng, không ít hình ảnh livestream cho thấy dấu hiệu sản phẩm bị làm nhái là khá rõ ràng.

Hãng kính mắt đến từ Italy - Tập đoàn Luxottica là một trong những thương hiệu bị giả mạo nhãn hiệu điển hình bậc nhất ở thị trường Việt Nam. Trong một cuộc họp với Tổng cục Quản lý thị trường, đại diện hãng kính mắt này cho biết, gần như toàn bộ 33 sản phẩm thương hiệu được bảo hộ đều bị làm nhái. Ví dụ các sản phẩm như Ray-Ban, Costa, Persol, Oliver Peoples, Oakley,... xuất hiện nhan nhản trên các sàn thương mại điện tử, Facebook, Youtube hay TikTok tiếng Việt với vô vàn mức giá.

Nói riêng về tình trạng kính mắt bị làm giả, theo số liệu thống kê từ năm 2018 đến tháng 3/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường, có đến 21.076 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng kính mắt bị phát hiện, xử phạt hành chính trên 245 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy trên 221 tỷ đồng.

Về gian hàng thương mại điện tử vi phạm, trong năm 2022, Tổng cục cũng gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm. Đồng thời, chặn nhiều địa chỉ có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại trên các nền tảng điện tử không hề thuyên giảm. 

Kẽ hở "vô tình" khiến TikTok Shop thành nơi "nuôi dưỡng" hàng nhái - Ảnh 1.

Mức giá khó tưởng tượng cho kính thương hiệu Ray-Ban trên TikTok Shop. Ảnh chụp màn hình.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, trong một số vụ việc khi thu giữ, cơ quan quản lý thị trường không thể liên lạc được với chủ thể quyền thương hiệu để tiến hành xác minh yếu tố vi phạm. Điều đó làm cho công tác xử lý của lực lượng khó khăn hơn rất nhiều. Ông Linh phân tích, nếu như không có đại diện chủ thể quyền hãng xác nhận thì không thể xử lý theo hành vi hàng giả, thay vào đó chỉ có thể xử lý sang các hành vi vi phạm khác như hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hành vi khác với mức xử phạt thấp hơn rất nhiều so với kinh doanh hàng giả. Điều này vô tình tạo ra mức độ răn đe thấp.

Lộ lý do khiến TikTok Shop trở thành nơi "nuôi dưỡng" hàng nhái

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ Quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, thông thường, việc livestream được thực hiện tại địa điểm khác với nơi lưu chứa hàng hóa nên lực lượng khá khó khăn để "đánh" tận gốc. Thời gian qua, để đủ tính thuyết phục khi xử lý vi phạm, lực lượng cũng đã nỗ lực rà soát, nắm bắt thông tin liên kết giữa các kênh bán hàng điện tử với kho bãi tập kết hàng hoá, đầu mối vận chuyển để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, việc làm này tốn rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, nhân sự của các đội Quản lý thị trường còn khá ít ỏi, vì vậy công tác này đạt hiệu quả khá thấp. Thực tế, bản thân lực lượng Quản lý thị trường còn phải đảm nhiệm việc kiểm soát lưu thông hàng hóa ở cả các kênh thương mại truyền thống, cửa hàng. Lợi dụng điểm này, các nhóm livestream hoạt động ngày càng mạnh trên các nền tảng như TikTok, Facebook mà không lo bị cơ quan chức năng "sờ gáy".

Chính vì những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp được khuyến nghị chủ động làm việc với lực lượng chức năng để tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm. Người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường cam kết sẽ yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xử lý ngay nếu có thông tin về địa điểm, người kinh doanh vi phạm. 

Về phía doanh nghiệp sẽ cần có thêm bộ phận tự bảo vệ chủ động, phối hợp với cơ quan chức năng khi thương hiệu bị xâm phạm.

Kẽ hở "vô tình" khiến TikTok Shop thành nơi "nuôi dưỡng" hàng nhái - Ảnh 2.

Hàng trăm gian hàng, người bán bị khóa khỏi TikTok Shop. Ảnh: @AFP

Nói riêng về TikTok Shop - nơi đang bị phản ánh là tồn tại sự "nhốn nháo" của thị trường với nhan nhản hàng giả, hàng vi phạm, dù khẳng định đã đưa ra các điều khoản nghiêm cấm các sản phẩm kém chất lượng. 

Thế nhưng, vấn nạn gian lận ngày càng "phình to" cho thấy chính sách quản lý của nền tảng dường như chưa đủ chặt chẽ. Trong khi, với mỗi sản phẩm được bán ra, TikTok sẽ nhận 5% hoa hồng.

Do đó, nếu bản thân nhà cung cấp không tự tăng cường trách nhiệm giám sát các chủ hàng và sản phẩm, TikTok Shop sẽ trở thành nơi lưu chuyển cho nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng. 

Mặt khác, để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được "nuôi dưỡng" trên nền tảng của mình, Tiktok cũng sẽ gây thêm áp lực không đáng có cho cả cơ quan chức năng lẫn các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ.

Vũ Khoa
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN