PTT Vương Đình Huệ: Thế giới coi nông nghiệp Việt Nam đạt kỳ tích

Lương Kết (ghi) Thứ ba, ngày 05/02/2019 08:00 AM (GMT+7)
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2018 vừa qua tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đã lên tới mức kỷ lục với hơn 40 tỷ USD.... Thế giới đánh giá đó là kỳ tích của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ảnh PV).

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019), ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn, trong đó Phó Thủ tướng đã có đánh giá về bức tranh của nông nghiệp.

Thưa Phó Thủ tướng, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nay đã thực hiện gần 6 năm, kết quả thực hiện đã tạo ra bức tranh mới về nông nghiệp nói riêng và bức tranh kinh tế nói chung thế nào?

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững trước hết đó là trọng điểm của tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, nhằm mục tiêu thực hiện nghị quyết của Trung ương về nông thôn, nông nghiệp và nông dân (còn gọi là tam nông). Trọng điểm của chương trình này là đi theo hai hướng: Thứ nhất là phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh mẽ điều kiện sản xuất; thứ hai là tổ chức lại quan hệ sản xuất, hoàn thiện lại quan hệ sản xuất trong khu vực nông thôn, bằng cách phát triển mạnh mẽ các hình thức kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp sau gần 6 năm triển khai đến nay chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Về sản xuất quy mô của sản xuất nông nghiệp đã gia tăng nhanh chóng, nông nghiệp phát triển toàn diện cả chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này trong năm 2018 đã lên tới mức kỷ lục với hơn 40 tỷ USD. Trong đó có 10 mặt hàng  có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, 5 mặt hàng đã có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Thế giới đánh giá đó là kỳ tích của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả.img

Kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đem lại diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp Việt Nam (ảnh Dân Việt)

Năm 2018, nông nghiệp tăng trưởng 3,76%, kết quả đó đóng góp rất lớn cho việc tăng trưởng kinh tế nói chung với 7,08% (cao nhất trong những năm gần đây).

Về mặt quan hệ sản xuất, chúng ta đã có nhiều cách làm hay, mô hình phong phú, đặc biệt các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, số hợp tác xã này tăng rất nhanh.

Đặc biệt về xây dựng nông thôn mới (NTM), cho đến nay chúng ta đã có 42,3%, với gần 3.800 xã trong cả nước đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (19 tiêu chí); có 61 huyện của 30 tỉnh, thành được công nhận NTM. Đặc biệt hai tỉnh là Nam Định có 196/196 xã, Đồng Nai có 133/133 xã hoàn thành xây dựng NTM. Như vậy kể cả về mặt sản xuất, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi hết sức nhanh chóng.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của tỉnh Lai Châu (ảnh Dân Việt).

Trong thời gian tới Chính phủ sẽ có những chỉ đạo, có định hướng gì để đề án tái cơ cấu nông nghiệp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và có cách làm đột phá hơn thưa Phó Thủ tướng?

- Phát triển khu vực nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp chính là một trong yếu tố để đảm bảo phát triển bền vững. Đây là khu vực có trên 60% dân số, hiện còn khoảng 38% lực lượng lao động. Trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở định hướng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, có tính cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời phải gắn tái cơ cấu nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM.

Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách khuyến khích tái cơ cấu mạnh mẽ ở khu vực này. Chính phủ và Thủ tướng cũng sẽ chỉ đạo triển khai một cách sâu rộng và quyết liệt các cơ chế chính sách đã ban hành, như Nghị định 57/2018 của Chính phủ có liên quan đến chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 58/2018 về chính sách bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định 116/2018 về các cơ chế chính sách tín dụng với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Tôi nghĩ với tất cả những cố gắng, nỗ lực như vậy, cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn và xây dựng NTM sẽ góp phần tích cực làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn nước ta. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020, tạo tiền đề, điều kiện để chúng ta bước vào kế hoạch 5 năm và hướng tới chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 -2030, là đích hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. (Đảng thành lập Ngày 3.2.1930).

img

Áp dụng khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi diện mạo sản xuất (ảnh Dân Việt).

Để lĩnh vực nông nghiệp có những bước đi đột phá rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có thêm những chính sách ưu tiên gì để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này thưa Phó Thủ tướng?

- Hiện nay Chính phủ đã có một loạt chính sách, như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị ở khu vực nông thôn; thứ hai là chính sách khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Chính phủ cũng rất khuyến khích những mô hình có thể tích tụ ruộng đất đủ lớn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có quy mô lớn vào sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó sẽ phát triển mạnh hơn nữa kinh tế hợp tác, thông qua kinh tế hộ để đi tới kinh tế hợp tác, đặc biệt với hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu sẽ gắn kết với các doanh nghiệp. Thời gian qua Chính phủ đã kêu gọi rất doanh nghiệp xây dựng những nhà máy chế biến nông sản lớn để làm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới thị trường tiêu thụ ở ngoài nước, đặc biệt với thị trường Trung Quốc nhưng theo hướng giảm thương mại tiểu ngạch, tăng sản phẩm nông nghiệp theo đường chính ngạch để cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp đảm bảo ổn định và đảm bảo giá trị gia tăng, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Kinh nghiệm từ những mùa vụ gần đây liên quan tới việc tiêu thụ nhãn, vải thiều cho thấy, cung cách tiếp cận thị trường của chúng ta có những tiến bộ vượt bậc, điều đó đem lại lợi ích rất lớn cho người nông dân.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng (!)
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem