Quản lý thị trường TP.HCM: Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm

03/04/2023 13:10 GMT+7
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cơ quan này đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực hàng giả. Hiện cả 3 vụ đang được cơ quan chức năng xem xét.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong quý I/2023, đơn vị này đã tiến hành thu phạt 719 vụ, thu nộp vào ngân sách trên 16 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số ngân sách thu về tăng 167,02%.

Cũng theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đơn vị này đã thực hiện tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông với trị giá trên 11 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 94,5 tỷ đồng. 

Kết thúc quý I/2023, đơn vị còn tồn 22 quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thi hành với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. 

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm là thuốc lá, ngoài thuốc lá điếu, các Đội Quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuốc lá thế hệ mới cả trên thị trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử. 

Qua đó, xử lý 18 vụ vi phạm, tạm giữ 1.298 bao thuốc lá điếu và 2.011 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 437 triệu đồng.

Công tác kiểm soát hàng hóa nhập lậu, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 201 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 254.335 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, điện thoại di động, văn phòng phẩm, vải, giày dép, đồ dùng cá nhân…với tổng trị giá hàng hóa vi phạm, trị giá ước tính hơn 7,5 tỷ đồng.

Cục QLTT TP.HCM: Tiêu hủy hàng giả, hàng cấm trị giá trên 11 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lực lượng QLTT TP. HCM kiểm tra hoạt động lưu thông hàng hóa trên địa bàn. (Ảnh: dms.gov.vn)

Về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã kiểm tra, xử lý 262 vụ vi phạm. 

Đồng thời, tạm giữ 322.616 đơn vị sản phẩm đồ dùng cá nhân, hóa chất, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, đồ ngũ kim, phụ kiện điện thoại di động, thực phẩm, dụng cụ y tế, vải, mắt kính, linh kiện điện tử… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7,4 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực hàng giả, các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố, đã kiểm tra. 

Kết quả, đã xử lý 167 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Đồng thời, tạm giữ 35.538 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, đồng hồ, dụng cụ cầm tay. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Hiện cả 3 vụ đang được cơ quan chức năng xem xét.

Trong lĩnh vực thực phẩm, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 94 vụ vi phạm, tạm giữ 79.014 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại, chủ yếu là các bánh kẹo, rượu, bia, sữa, thực phẩm bao gói sẵn, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2,5 tỷ đồng.

Riêng đối với mặt hàng đường cát trong quý 1 năm 2023 đã kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm, hàng hóa tạm giữ là 61.142 kg đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đối với lĩnh vực Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra phát hiện xử lý gần 100 vụ vi phạm, tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm và trên 1,2 tấn dược liệu các loại.


Vũ Khoa
Cùng chuyên mục