Quản lý xe hợp đồng bằng mã vạch, doanh nghiệp không thể "né" thuế
Việc "bùng nổ" xe hợp đồng gây nhức nhối dư luận đang làm đau đầu cơ quan quản lý nhà nước. Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, điều kiện quản lý xe kinh doanh tuyến cố định và xe hợp đồng có sự khác nhau, trong đó, điều kiện xe kinh doanh hợp đồng dễ dàng hơn.
Trong khi xe tuyến cố định vào bến phải có giờ, có lốt, phải kiểm tra điều kiện trước khi xuất bến, thì xe hợp đồng lại được tự do về giờ giấc, quản lý lỏng lẻo hơn.
Góp ý về phương án quản lý kinh doanh hợp đồng, ông Phan Bá Mạnh - Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cho biết, đã có 400 doanh nghiệp dùng nền tảng của công ty, 32.000 phương tiện đang hoạt động trên nền tảng. Trong đó 45% là tuyến cố định 55% là xe hợp đồng.
"Muốn quản trị tốt vận tải hành khách, không nên phân biệt xe hợp đồng/xe cố định, cái cần siết chặt là an toàn. Vấn đề là doanh nghiệp vận tải phải có đủ quy mô vì chỉ khi đủ quy mô mới thành lập ban an toàn”, ông Mạnh nói.
Về kẽ hở quản lý, ông Mạnh cho rằng: "Cần phải đổi mới về pháp lý, cơ chế, hạn chế giấy phép con, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc đưa xe hợp đồng vào bến xe không phải giải pháp căn cơ vì doanh nghiệp hoạt động theo hiệu quả kinh tế.
Ông Mạnh cho biết, hôm nay vì pháp lý họ có thể họ vào bến nhưng ngày mai không hiệu quả họ sẽ tìm cách để ra. Trong khi đó, việc thông tin chia sẻ dữ liệu, lĩnh vực thuế đang làm rất tốt. Để quản lý xe hợp đồng, luật pháp đã đủ không cần siết chặt nữa; cái thiếu là công cụ quản lý.
"Nếu như ở xe chạy tuyến cố định có khái niệm lệnh vận chuyển điện tử - xe cố định đẩy lệnh vận chuyển này lên Cục đường bộ", ông Mạnh cho hay.
Theo ông Mạnh, với xe hợp đồng, ở thông tư 78 cũng có hợp đồng điện tử và chủ trương sẽ đẩy loại hợp đồng này lên Cục đường bộ hoặc Bộ GTVT để quản lý. Trước khi xe lăn bánh, hợp đồng sẽ được gửi lên Cục đường bộ, dữ liệu tập trung ở đó. Khi cần kiểm tra chỉ cần quét mã vạch hợp đồng, lập tức truy xuất ngược trở lại máy chủ của cục đường bộ, có đủ thông tin hành khách, thời gian xuất bến.
Dữ liệu đó sẽ đi kèm dữ liệu hóa đơn điện tử sang bên thuế. Khi đó, doanh nghiệp không thể né thuế được. Với cách làm hiện nay là gửi hợp đồng lên email của sở thì không khác nào dùng cung tên bắn máy bay.
Ông Mạnh nhấn mạnh rằng, chắn hầu hết cán bộ, sở không đủ sức để kiểm tra tất cả email. Chỉ trong thời gian ngắn, email rất có thể đầy và không nhận thêm được nữa. Vậy khi doanh nghiệp đẩy lên mà sở không nhận được thì lỗi ở ai?.
"Thực chất thị trường đang dịch chuyển theo hướng cần dịch vụ cao hơn. Hiện có bến xe miền Tây đang ứng dụng bến xe điện tử của An Vui. Người dân không cần ra bến mua vé nữa mà có thể ngồi ở nhà vào ứng dụng để mua vé", ông Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Mạnh, bến xe có thể dần dần thu hút khách hàng từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tự động vào bến. Với nền tảng công nghệ, chúng tôi sẵn sàng đón toàn bộ lệnh điện tử, hay hợp đồng điện tử để truy xuất thông tin.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ với Bộ Công An để truy xuất thông tin hay đính kèm mã hợp đồng với hóa đơn điện tử để thu thuế là hoàn toàn khả thi. Khi có sự liên kết này sẽ không thể có chuyện trốn thuế.