Quận Thanh Xuân đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội 5 làng Mọc"

Phi Long Thứ hai, ngày 18/04/2022 16:20 PM (GMT+7)
Mới đây, tại đình làng Mọc Quan Nhân, UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội 5 làng Mọc" phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Bình luận 0

Ông Đặng Khánh Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: "Lễ hội 5 làng Mọc là một loại hình lễ hội dân gian bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng Mọc anh em, tạo thành sự gắn kết có tính cộng đồng trong cả một không gian vùng "Kẻ Mọc" - là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa - xã hội hàng mấy trăm năm của người dân hai phường và hai quận, thể hiện trình độ sáng tạo và sức lao động, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cư dân địa phương. 

Thanh Xuân đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội 5 làng Mọc" - Ảnh 1.

Đại diện hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đón nhận Bằng công nhận

Lễ hội 5 làng Mọc là một lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống tín ngưỡng của Nhân dân, vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa thể hiện sự kính trọng, biết ơn của con cháu với thần linh, tổ tiên và các bậc tiền nhân. Sức lan tỏa của Lễ hội 5 làng Mọc chính là khát vọng rất đời của người dân luôn hướng tới, cầu cho quốc thái - dân an, cầu mong được dày phúc - nhiều lộc, một năm năm mưa thuận gió hòa, cả năm no đủ, tránh được bệnh dịch, mọi người khỏe mạnh.

Việc Lễ hội 5 làng Mọc được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân hai quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và hai phường Nhân Chính, Trung Văn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa, góp phần tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của vùng "Kẻ Mọc". Đồng thời, đặt ra trách nhiệm đối với hai quận, hai phường và các Tiểu ban quản lý di tích trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích".

Tương truyền, ngày xưa, Nhân dân trong vùng đói kém, lũ lụt xảy ra liên miên, nhà cửa bị cuốn trôi, cây cối bị tàn phá hết, người chết đầy đường, bệnh dịch tràn lan, nạn đói triền miên. Làng Phùng Khoang được vua cho nấu cháo, cơm nắm để phát cho dân chúng.

Một cậu bé nhà nọ sống sót đã đến lúc đói lả, nhưng vừa khi nhận được một nắm cơm, chưa kịp ăn thì đã bị cậu khác đến tranh. Không nỡ ăn một mình, cậu định bẻ cho bạn một nửa. Nhưng chưa kịp ăn thì cậu bé thứ ba lại đến, cả ba vồ nắm cơm nhưng đều rụt tay lại khi cậu bé thứ tư đến. Bốn cậu bé nhìn nhau nước mắt ròng ròng thì cậu bé thứ năm lại xuất hiện, là người bé nhất, gầy gò nhất. Năm cậu bé nhìn quanh nắm cơm.

Sau đó, cậu bé đầu tiên bẻ nắm cơm ra làm năm phần, cậu nhận phần nhỏ nhất. Ăn xong, các cậu như thấy khỏe ra. Cậu bé nhà nọ lên tiếng: "Trời xui đất khiến cho năm anh em ta gặp nhau, nắm cơm này đã cứu anh em ta. Cơm này là của vua ban cho ta vậy. Ta tạ ơn trời, ơn vua, xin kết nghĩa làm anh em, thề cùng sống chết có nhau".

Cả năm anh em quỳ xuống vái trời, vái đất rồi ra đi. Mỗi người đi về một ngả. Lớn lên, họ vô tình gặp lại nhau tại mảnh đất này để lập ấp khai hoang. Năm nơi ấy đều trở nên trù phú, phát đạt và chính là năm làng Mọc ngày nay.

Thanh Xuân đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội 5 làng Mọc" - Ảnh 2.

Các đại biểu dự buổi lễ

Lễ hội này được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang. Ở năm làng Mọc, mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng riêng.

 Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - Một vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - một nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân - một trung thần thời Lý.

Trải qua 6-700 năm trước, Lễ hội 5 Làng Mọc được ra đời, duy trì tổ chức. Do những nguyên nhân chủ quan, khách quan, vì vậy Lễ hội 5 làng Mọc thời gian trước đây đã bị gián đoạn.

Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức lễ hội một lần (gọi là Đại đám) vào ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch theo hình thức luân phiên từng làng đăng cai; những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức riêng theo tập tục.

Cũng như các lễ hội truyền thống của cả nước, Lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội dân gian được Nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ.

 Lễ hội có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, thể hiện sự biết ơn các vị tiền nhân, vừa thể hiện trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân địa phương. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem