Quảng Bình: Hộ nghèo nhận lợn hỗ trợ về nuôi được ít ngày bỗng chết dần, vì sao vậy?

Trần Anh Thứ bảy, ngày 07/10/2023 09:40 AM (GMT+7)
Người dân thuộc diện hộ dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở xã Thượng Hóa và xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vừa nhận hỗ trợ lợn thương phẩm về nuôi bỗng chết dần trong vài ngày sau đó.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Đinh Thị Liễu (ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Vào ngày 19/9, tôi được nhận hỗ trợ 4 con lợn giống thương phẩm để nuôi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi nuôi được vài ngày, lợn bỗng nhiên phát nóng, nổi đỏ và chảy nước mũi.

Thấy lo quá, tôi báo với chính quyền địa phương rồi cán bộ thú ý cùng lực lượng chức năng đến thăm khám, lấy mẫu đi xét nghiệm và xác định lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi. 4 con lợn đó chết dần và đã được đưa đi tiêu hủy".

Clip: Người dân xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc vừa nhận hỗ trợ lợn giống về nuôi bỗng phát bệnh, chết dần

Ông Trần Văn Cường – Cán bộ Thú y xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Khi nhận được thông tin của người dân về việc lợn thương phẩm vừa hỗ trợ đã có dấu hiệu mắc bệnh, tôi đã tới tận chuồng để xem, thấy lợn có biểu hiện sốt, nôn, chảy nước mũi và bỏ ăn. Sau đó, tôi báo cáo ủy ban xã rồi cùng các cơ quan chuyên môn đi lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 29/9, có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh".

Quảng Bình: Hộ nghèo nhận hỗ trợ lợn về nuôi được ít ngày bỗng chết dần vì dịch bệnh - Ảnh 2.

Bà Đinh Thị Liễu (ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bên chuồng lợn còn mỗi con bà nuôi từ trước, còn lợn thương phẩm vừa hỗ trợ đã chết sạch. Ảnh: Trần Anh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Cao Xuân Đàn – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Xã Thượng Hóa có 50 hộ dân thuộc diện hộ dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được nhận hỗ trợ mỗi hộ 4 con lợn thương phẩm từ dự án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội – Mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khu kinh tế quốc phòng Minh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Quảng Bình: Hộ nghèo nhận hỗ trợ lợn về nuôi được ít ngày bỗng chết dần vì dịch bệnh - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Cường – Cán bộ Thú y xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bên chuồng lợn của hộ dân vừa chết sạch vì dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Anh

Ngày 19/9, các hộ đến nhận lợn về, nuôi được ít hôm lợn phát bệnh và chết dần. Lực lượng chức năng đã vào cuộc và xác định lợn mắc dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh. Hiện đã có 137 con lợn chết, trong đó 122 con của dự án, còn lại lợn bà con nuôi từ trước".

"Trước khi chưa nhận lợn, trên địa bàn xã chưa có dịch, khi bà con nhận lợn về nuôi ít ngày mới phát dịch bệnh trên địa bàn. Hiện số lợn chết đã được đi tiêu hủy tập trung. UBND huyện cũng đã công bố dịch trên địa bàn", ông Cao Xuân Đàn nói.

Quảng Bình: Hộ nghèo nhận hỗ trợ lợn về nuôi được ít ngày bỗng chết dần vì dịch bệnh - Ảnh 4.

Số lợn chết được chính quyền địa phương đưa đi tiêu hủy tập trung.

Tại xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) số lợn thương phẩm hỗ trợ cho các hộ dân cũng chết vì dịch bệnh rất nhiều.

Anh Cao Sỹ (ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) thông tin: "Gia đình tôi thuộc diện mới thoát nghèo và vừa rồi nhận được 4 con lợn hỗ trợ từ dự án. Lợn nhận về nuôi được ít ngày đã phát bệnh và chết sạch, hiện còn chuồng trống trơ".

Ông Đinh Hồng Tuyên – Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Đoàn Kinh tế 92, hỗ trợ lợn giống cho thôn Đặng Hóa. Ngày 19/9, tổ chức cấp giống lợn cho 52 hộ dân thôn Đặng Hòa, tổng số con giống được cấp là 208, trong đó, mỗi hộ được nhận 4 con".

Quảng Bình: Hộ nghèo nhận hỗ trợ lợn về nuôi được ít ngày bỗng chết dần vì dịch bệnh - Ảnh 5.

Chính quyền địa phương xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đưa lợn chết đi tiêu hủy tập trung.

"Sau khi người dân nhận về nuôi được ít hôm, lợn phát bệnh và chết dần. Hiện trên địa bàn có 175 con chết, số còn lại khả năng sẽ chết cao. Theo cơ quan chức năng, lợn chết do 2 bệnh là dịch tả lợn Châu Phi và dịch tai xanh. Hiện trên địa bàn đã công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch", ông Đinh Hồng Tuyên chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trương Thị Thanh Bê – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Uỷ ban huyện đã công bố dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh trên địa bàn 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn từ ngày 29/9. Các lực lượng chuyên môn đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng theo Luật Thú y và kế hoạch của UBND huyện Minh Hóa về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch tai xanh trên địa bàn huyện Minh Hóa giai đoạn 2020-2025".

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, lợn do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Xuân cung ứng nhập vào địa bàn ngày 19/9, bên cạnh đó, các địa phương trên là ổ dịch cũ với bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2022; số lợn trên chưa được tiêm vaccine tai xanh; thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và gây bệnh; các hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem