Quảng Bình: Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi bò, trồng mít Thái

Trần Anh Thứ ba, ngày 06/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện miền núi Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo. Các hộ vay vốn đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có nuôi bò, trồng mít Thái dần ổn định cuộc sống...
Bình luận 0

Không còn cảnh dứt bữa

Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Đinh Thị Thất (ở Tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết, 15 năm trước, gia đình bà là một trong những hộ nghèo ở địa phương. 

Thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào việc nuôi 2 con heo, ngoài ra chẳng có gì thêm. Gia đình bà nhiều lúc còn đứt bữa.

Sau khi được các cán bộ ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) hướng dẫn tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn cách vay vốn để làm ăn, bà Đinh Thị Thất đã vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chương trình tín dụng hộ nghèo.

Nông dân miền núi Minh Hoá thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội - Ảnh 1.

Mô hình trồng vườn cây ăn quả, trong đó có trồng mít Thái của gia đình bà Đinh Thị Thất (ở Tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: TD)

Năm 2006, có trong tay 10 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Đinh Thị Thất mua 2 con bò cái. 5 năm sau, bò đẻ được 5 con bê. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi và chưa biết cách phòng bệnh cho bò nên bò của gia đình bà bị bệnh, còi cọc.

Bà Đinh Thị Thất nói: "Do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò nên gia đình tôi nghèo vẫn hoàn nghèo. Tiền nợ ngân hàng đến hạn, tôi phải bán một con bò và hai con bê để trả nợ".

Năm 2012, bà Thất quyết định vay thêm 15 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội rồi đầu tư trồng hơn 200 cây ăn quả, như: ổi, cam, bưởi, trồng mít Thái…

Lần này, con của bà Thất đang học nghành nông lâm đã hướng dẫn cho bà cách trồng và chăm sóc nên cây ăn quả phát triển tốt theo đúng khoa học kỹ thuật.

Nông dân miền núi Minh Hoá thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội - Ảnh 2.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) thăm các hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng để chăn nuôi bò, chăn nuôi heo rừng và các con đặc sản khác trên địa bàn huyện Minh Hóa. (Ảnh: TD)

Năm 2014, bà Đinh Thị Thất tiếp tục vay thêm 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có tiền trong tay, bà Thất đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả lên 300 gốc và áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng cây.

Một năm sau, gia đình bà Thất bước vào vụ thu hoạch cây ăn quả lãi hơn 20 triệu đồng. Các vụ thu hoạch sau, bình quân vườn cây ăn quả của bà Thất cho lãi hơn 40 triệu đồng.

Nông dân miền núi Minh Hoá thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội - Ảnh 3.

Hộ gia đình ông Cao Xuân Hòa (ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bên đàn bò vừa dùng số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua về chăn nuôi. (Ảnh: TD)

Đến năm 2018, gia đình bà Thất thoát nghèo và trả được hết số tiền vay từ chương trình dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vươn lên khá giả nhờ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Bà Đinh Thị Thất, nói: "Hiện tôi đang đầu tư để mở rộng vườn cây ăn quả. Tôi cũng vừa vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đầu tư trồng thêm 200 gốc cây ăn quả các loại. Mỗi năm, vườn cây ăn quả của gia đình tôi cho lãi gần 70 triệu đồng. Từ số tiền thu nhập đó, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà hơn 500 triệu đồng".

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài gia đình bà Đinh Thị Thất thoát nghèo nhờ vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước, nhiều hộ nghèo ở huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cũng đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như các hộ gia đình ở thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình): gia đình bà Nguyễn Thị Huấn vay 50 triệu đồng, đầu tư mua 3 con trâu, 3 con bò; Gia đình bà Đinh Thị Mai vay 50 triệu đồng, đầu tư mua 4 con trâu, 2 con bò; Gia đình bà Đinh Thị Huyến vay 30 triệu đồng và hiện đang nuôi 7 con bò…

Các hộ gia đình trên đã trở thành điển hình về mô hình phát triển kinh tế của huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện này từ trên 40% năm 2015 xuống còn 14,66% năm 2020.

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn.

Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ giúp hội viên, nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem