Quảng Nam: Lại thu 125 cây vàng từ 1 phiên chợ sâm Ngọc Linh

Trương Hồng - Hạ Vy Thứ tư, ngày 04/03/2020 13:56 PM (GMT+7)
Chỉ qua 3 ngày bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ, người dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thu hơn 5,7 tỷ đồng tương đương hơn 125 cây vàng.
Bình luận 0

Ngày 4/3, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh định kỳ từ ngày 1 đến ngày 3/3 đã kết thúc và người dân trồng sâm quý đã thu vào số tiền hàng tỷ đồng.

img

Các gian hàng bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ

Theo đó, phiên chợ chợ Sâm Ngọc Linh lần thứ 30 có 2 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 8 hộ trồng sâm tại 4 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia trưng bày và bán tại phiên chợ.

Phiên chợ có hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Phiên chợ còn có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, Quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia và 1 gian hàng trung tâm trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu (trên 30 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu).

Ngoài ra, phiên chợ có các gian hàng trưng bày, quảng bá, mua bán các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) của huyện Nam Trà My.

img

Chỉ ba ngày bán, người dân thu vào hơn 125 cây vàng từ việc bán sâm Ngọc Linh

Trong những ngày diễn ra phiên chợ có trên 1.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được khoảng 5,7 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 65 kg, thu về gần 5,5 tỷ đồng.

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, giá thành lại đắt đỏ, hiện tại mỗi kg sâm củ có giá thành từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, riêng những củ sâm có trọng lượng hơn 0,5kg thì giá thành lại cao gấp mấy lần. Trong đó, thân và lá sâm Ngọc Linh cũng có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/kg. Có thể nói giá bán sâm Ngọc Linh đắt hơn giá vàng.

Theo tài liệu nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

img

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, mỗi kg có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng

Có thể nói rằng cả thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh quý hiếm, đắt như giá vàng. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

img

img

Lãnh đạo huyện giới thiệu sâm Ngọc Linh và du khách mua sâm tại phiên chợ

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,...

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,..

Giá bán sâm Ngọc Linh hiện nay có thể nói đắt hơn giá vàng bởi tác dụng kỳ diệu của loại sâm này cũng như độ quý hiếm của nó...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem