Quảng Ngãi: 33 sản phẩm đạt chuẩn 3-4 sao OCOP ở huyện Mộ Đức là những sản phẩm nào?
Nhiều sản phẩm nông sản OCOP chất lượng
Ông Ngô Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: "Hơn 6 năm qua, Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi xã để phát triển các sản phẩm có chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.
"Đến nay, toàn huyện có 33 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3-4 sao. Trong đó, có 30 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao như: Nấm linh chi, Trà linh chi túi lọc, Trà linh chi thảo mộc, Trà túi lọc linh chi hạt sen, Nấm bào ngư, Khô sợi bào ngư, Bột nêm nấm bào ngư, Rượu nấm linh chi, Bánh tráng Huy Cường, Trà gạo lứt, Gạo Ấn Trà, Mạch nha Kim Hồng, Mạch nha Thy Thảo, Bánh mè Huy Ny, các sản phẩm nước mắm truyền thống ở xã Đức Lợi, Trứng gà ác Nam Trinh, Trứng chim trĩ Bảo Trần..." – Ông Thanh phấn khởi nói.
Tham gia Chương trình OCOP, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy trình sản xuất tiên tiến, bảo hộ lao động, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, để khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để làm mới sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Bên cạnh đó, 100% sản phẩm OCOP của huyện đã số hóa thông tin sản phẩm thông qua quét mã QR để truy xuất nguồn gốc. Các chủ thể đã chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và duy trì việc mua bán, giao dịch trên Lazada, Shopee, PostMart, Facebook, Tiktok....
Ngoài ra, một số Hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mộ Đức đã sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại thực hiện tự động hóa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện bán hàng, thương mại hóa thông qua các trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng, tìm kiếm thị trường mới, cơ hội hợp tác mới.
Tăng sản lượng, tăng thu nhập
Ông Nguyễn Ngọc Tưởng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức cho biết: Nhìn chung, các sản phẩm OCOP huyện Mộ Đức chủ yếu thuộc nhóm ngành thực phẩm, ngành đồ uống. Ước tính sản lượng và doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 15-20%; sản lượng của một số sản phẩm sau khi được gắn sao OCOP tăng hơn so với khi chưa đạt từ 20-30%.
Tiêu biểu như sản phẩm: Bột nêm nấm bào ngư, Trà túi lọc linh chi, Trà linh chi thảo mộc, Gạo sạch Ấn Trà, Trứng gà ác Nam Trinh, Mạch nha Thuy Thảo, Ổi Ngô Tân, Bánh tráng Huy Cường....
Việc xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo sự liên kết giữa các hợp tác xã với hộ gia đình để sản xuất theo quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung, tăng khả năng cạnh tranh.
Các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP được UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện quyết định tặng thưởng 10 triệu đồng/sản phẩm OCOP 4 sao; 8 triệu đồng/sản phẩm OCOP 3 sao. Đây thật sự là món quà ý nghĩa động viên chủ thể OCOP tiếp tục phát triển nâng tầm sản phẩm về chất lượng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Ông Thanh cho hay, việc các sản phẩm được công nhận OCOP không chỉ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch năm 2024, huyện Mộ Đức có 14 sản phẩm mới và 6 sản phẩm hết hạn sẽ tham gia đánh giá phân hạng; dự kiến nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 47 sản phẩm vào cuối năm 2024.