Quảng Ninh có hơn 46.000 hộ nông dân SXKD giỏi, 10 hộ được đề nghị tặng Bằng khen Thủ tướng

Bùi My Thứ tư, ngày 28/06/2023 08:01 AM (GMT+7)
Phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" được tỉnh Quảng Ninh phát động và tổ chức thực hiện từ năm 1990 đến nay, nhằm tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi...
Bình luận 0

Ngày 27/6, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sơ kết phong trào "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2020-2022. Tham gia hội nghị có sự tham gia của 140 đại biểu là hội viên nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, đại diện cho hơn 46.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong toàn tỉnh.

Nhiều gương nông dân điển hình, dám nghĩ dám làm

Phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" được tỉnh Quảng Ninh phát động và tổ chức thực hiện từ năm 1990 đến nay, nhằm tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

Đồng thời, phong trào cũng vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; thi đua sáng tạo, mạnh dạn ứng dựng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh...

Quảng Ninh có 2.618 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng - Ảnh 1.

Đại diện các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Bùi My

Trong giai đoạn 2020 – 2022 mặc dù có không ít khó khăn, thách thức, nhưng phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" vẫn tiếp tục lan tỏa, phát triển toàn diện, thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. 

Trong 3 năm đã có 181.052 lượt hộ nông dân đăng ký và có 144.861 lượt hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định công nhận 2.618 hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh trong 3 năm qua.

Cũng trong giai đoạn 2020 - 2022, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã hỗ trợ 7.265 ngày công, quyên góp hỗ trợ 3,9 tỷ đồng, hỗ trợ cây giống và con giống trị giá 6.150 triệu đồng và giúp 570 hộ hội viên nghèo có địa chỉ. 

Phong trào thi đua đã đóng góp tích cực vào kết quả chung toàn tỉnh trong việc hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Quảng Ninh có 2.618 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng - Ảnh 2.

Phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" đã lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, dám nghĩ dám làm... Ảnh: Bùi My

Có thể kể đến một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh tiêu biểu trong giai đoạn 2020-2022 như: Hộ ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX.Quảng Yên); hộ ông Vũ Anh Tuấn (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí); hộ ông Triệu Quay Phúc (xã Đồn Đạc, huyện Tiên Yên); hộ bà Nguyễn Thị Vững (phường Hà Phong, TP.Hạ Long); hộ bà Triệu Thị Oanh (phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả)...

Hay như hộ ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một điển hình trong việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ.

Dù tham gia hội nghị, nhưng ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vẫn có thể chăm sóc đàn vịt hàng nghìn con ở nhà thông qua ứng dụng trên điện thoại. Nguyên nhân bởi các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được mã hóa, chuyển tải và kết nối với điện thoại. 

Do vậy, dù ở đâu và bất cứ lúc nào, ông cũng nắm rõ tình hình sản xuất thực tế, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên app, xử lý những tình huống phát sinh.

"Giờ đây việc chăn nuôi của tôi không phải sớm nắng chiều mưa trên đồng ruộng, nhờ áp dụng mô hình khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả. Cụ thể, trước đây khi gia đình còn chăn nuôi vịt theo phương pháp truyền thống, gia đình tôi cần 6-8 nhân công để chăn nuôi 10.000 con vịt, nhưng hiện nay chỉ cần 2 nhân công mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Với quy mô 2000m2 chuồng trại khép kín, gia đình tôi có thể nuôi 10.000-14.000 con vịt/lứa, mỗi năm từ 5-7 lứa vịt" - ông Cường cho biết.

Quảng Ninh có 2.618 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng - Ảnh 3.

UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 130 hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2020-2022. Ảnh: Bùi My

Hoặc như hộ ông Triệu Quay Phúc (xã Đồn Đạc, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, đã đổi mới cách nghĩ cách làm, tích cực tham gia chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa...

Là người đồng bào dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở xã Đồn Đạc – xã nghèo nhất huyện vùng núi Ba Chẽ, ông Triệu Quay Phúc đã vươn lên phát triển kinh tế với ươm, trồng cây lâm nghiệp.

"Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cung cấp 50 vạn cây giống cho người dân trên toàn huyện, tạo thêm công ăn việc làm cho 25 người dân trong thôn và thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, mỗi năm gia đình tôi giúp đỡ ít nhất 10 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo" - ông Triệu Quay Phúc chia sẻ.

Tiếp tục lan tỏa phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đánh giá cao những kết quả đạt được trong phong trào “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" giai đoạn 2020-2022.

Quảng Ninh có 2.618 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

Để phong trào tiếp tục đạt được những thành tích cao hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi duy trì và phát triển; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền.

Đồng thời ông Diện yêu cầu huy động nguồn lực, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản; giúp nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc thị trường.

Cùng với đó là việc quan tâm hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cốt xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn; dẫn dắt, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện quyết liệt, toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", gắn với việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Quảng Ninh có 2.618 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhiều hộ được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng - Ảnh 5.

Các điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn 2020-2022 được tuyên dương, khen thưởng tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh sách 10 hộ nông dân đang trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2020-2022.

Đồng thời, tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho 130 hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" giai đoạn 2020 - 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem