Quảng Trị: Loài cây nguy hiểm nhất thế giới xâm chiếm hàng trăm ha đất, diệt mãi mà chưa chết hết

Thứ hai, ngày 10/08/2020 14:14 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Quảng Trị, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), có khoảng 560 ha đất bị cây mai dương xâm chiếm, làm thu hẹp diện tích trồng trọt, tăng nhanh đất tái hoang hóa ở những vùng nhiễm nặng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Cây mai dương là loài cây ngoại lai xâm lấn gây hại nguy hiểm, đe dọa đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Trị, điều đáng lo ngại là loài cây này có sức sinh trưởng mạnh, khả năng lây lan nhanh và rất khó diệt trừ.

Quảng Trị: Loài cây nguy hiểm nhất thế giới xâm chiếm hàng trăm ha đất, diệt mãi mà chưa chết hết - Ảnh 1.

Cây mai dương xâm lấn diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: LA

 Vừa chỉ cho chúng tôi thấy những bụi mai dương đang vươn những cành cây đầy gai nhọn một cách thách thức, ông Nguyễn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Điền, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) vừa cho biết, ước tính diện tích cây mai dương trên địa bàn HTX khoảng 1,5 - 2 ha, tập trung nhiều nhất ở khu vực triền đê, bờ kênh mương, dọc các trục đường… làm rạn nứt các công trình, khó khăn cho việc đi lại của người dân. 

Loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới

Theo ông Quyết, mặc dù hằng năm HTX đều bỏ ra một khoản kinh phí từ 3 - 5 triệu đồng để tổ chức ra quân diệt trừ cây mai dương nhưng do không có cách nào khác ngoài biện pháp thủ công, chặt cành rồi đào gốc rễ lên đốt nên hiệu quả không cao. 

Cây mai dương lại có khả năng tái sinh mạnh nên vẫn mọc lại với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn trước. 

“Loài cây này nguy hiểm lắm, vào mùa lũ cây bị ngâm nước cả tháng trời mà không hề gì, khi nước rút lại mọc nhanh và mạnh hơn trước; quả chín rụng xuống, gặp nước thì trôi nổi, phân tán khắp nơi, bám vào đất là thi nhau mọc um tùm. Cây có thân gỗ cứng cáp, lại có gai nhọn khắp thân, cành nên trâu bò cũng không ăn được....", ông Quyết ngao ngán nói.

Theo ông Quyết, cây mai dương có rễ ăn sâu vào đất nên phá vỡ kết cấu các bờ đê, kênh mương…, làm đất đai bị cằn cỗi, bạc màu. Khả năng sinh tồn của cây mai dương rất mạnh, chặt cây mà không đào hết gốc, thu nhặt hết rễ mang đi đốt thì chỉ một thời gian ngắn sau là đã thấy mọc lên tua tủa...

 Trao đổi với chúng tôi về sự hoành hành của cây mai dương, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện cây mai dương phát triển khắp mọi nơi với tổng diện tích khoảng 50 ha. 

Cây mai dương mọc nhiều ở ven đê, các gò đất, xung quanh khu dân cư, xâm lấn đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng gò đồi, gây hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa đa dạng sinh học, xâm hại các công trình hạ tầng, đặc biệt là giao thông và hệ thống kênh mương. 

Theo ông Tuấn, biện pháp tốt nhất để hạn chế sự phát triển của cây mai dương chỉ là phương pháp thủ công. Cụ thể, các địa phương, các HTX cần tuyên truyền, vận động nông dân tổ chức ra quân phá bỏ triệt để cây mai dương bằng cách chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương. 

Với những cây mai dương lớn, có thể dùng biện pháp cưa đốn chặt cây và gom tàn dư lại đốt tiêu hủy; sau khi cây mọc tái sinh lại có chiều cao từ 20 - 30 cm thì sử dụng thuốc trừ cỏ dạng lưu dẫn để phun trừ. Thời điểm thực hiện tốt nhất là sau khi thu hoạch xong lúa vụ hè thu, đốt sạch trước mùa mưa lũ để tránh hạt phát tán, lây lan. 

Với những diện tích đất trống chưa có kế hoạch sản xuất có thể trồng các loại ngô, cỏ voi, cỏ mía… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh.

 Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh, diện tích gây hại của cây mai dương khoảng 559,3ha. Trong đó có một số địa phương có diện tích gây hại khá lớn như huyện Triệu Phong 267,9 ha, huyện Đakrông 66,6 ha, TP Đông Hà 59,3 ha, huyện Hải Lăng 50 ha…

Mặc dù các địa phương đã tổ chức các đợt ra quân diệt trừ cây mai dương, áp dụng các biện pháp thủ công như đào rễ, chặt tận gốc, cày xới gốc, nhổ bỏ các cây con sau đó đem đốt; sử dụng thuốc khai hoang để phun trừ nhưng chưa có biện pháp nào tác dụng diệt trừ triệt để. 

Nguyên nhân là do cây mai dương có khả năng sinh trưởng nhanh và mọc tái sinh mạnh sau khi bị chặt hoặc đốt. Ngoài ra, do nguồn kinh phí của các địa phương còn hạn chế nên việc phòng trừ không thường xuyên, liên tục, không được thực hiện đồng bộ nên sau một thời gian cây mai dương lại mọc lên dày đặc và lan rộng rất nhanh.

 Diệt trừ cây mai dương phải tiến hành đồng bộ, đồng loạt

 Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị Trần Minh Tuấn thông tin, cây mai dương được xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới do sức sống, sức phát triển nhanh chóng của chúng. Nếu không có giải pháp diệt trừ thì cây mai dương sẽ cạnh tranh và dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp. 

Ông Tuấn dẫn chứng, ở những khu vực mà loài cây này mọc dày đặc với mật độ phủ kín thì không loài cây, loài động vật nào sống được dưới tán của chúng. Đối với những vùng trồng lúa nước và hoa màu, loài cây này sẽ cản trở việc làm đất và chăm sóc các loại cây trồng.

Việc diệt trừ cây mai dương rất khó khăn, tốn kém vì nó là một loài cây mọc khỏe, không kén đất, hạt có thể phát tán xa theo dòng nước, có khả năng sinh sản và phát triển mạnh sau khi bị cháy, khả năng nảy mầm rất tốt, đồng thời cũng có thể nảy chồi trên các gốc đã bị chặt. Việc sử dụng hóa chất cũng chỉ là một trong những biện pháp tổng hợp diệt trừ cây mai dương.

Về các biện pháp kỹ thuật để diệt trừ cây mai dương, ông Tuấn cho biết, đối với những vùng bị cây mai dương xâm lấn nhẹ đến trung bình thì nên sử dụng biện pháp thủ công như dùng cuốc sắc chắn mạnh ngay dưới cổ rễ hoặc dùng dao sắc chặt ngang thân dưới mực nước khoảng 20 cm đối với những cây trưởng thành; đào, nhổ bằng tay sau đó gom lại rồi đốt đối với cây con mới mọc. 

Trong trường hợp cây mai dương mọc tập trung thành quần thể dày đặc có thể sử dụng biện pháp chặt ngang thân cây để lại phần gốc thân cao khoảng 20 - 30cm; sau 20 - 30 ngày, sử dụng thuốc trừ cỏ Tarang 280SL pha với liều lượng 3 lít thuốc hoà với 400 lít nước để sử dụng cho 1 ha, phun đều và kỹ trên lá và cành mầm mới mọc của cây mai dương trong quần thể. 

Hoặc sử dụng biện pháp phun dung dịch nước muối ăn pha với nồng độ từ 10 - 60 gram/ lít rồi phun lên cây trưởng thành; sau 2 tuần cây sẽ rụng hết lá, thuận lợi cho các biện pháp thủ công như chặt, đào bỏ rễ để đem đốt.

 “Thời điểm để diệt trừ cây mai dương hiệu quả nhất là lúc cây đã trưởng thành, có bộ lá tốt nhất, ra đợt hoa quả chính và các hạt mai dương tồn ẩn trong đất những năm trước đã nảy mầm phát triển thành lứa quần thể cây con mới có chiều cao khoảng 40 - 150 cm...", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, để đạt hiệu quả cao, công tác diệt trừ cây mai dương phải được triển khai đồng loạt trên cùng một vùng như trên cùng một tuyến kênh mương, sông suối, đường giao thông, cánh đồng... nhằm ngăn chặn hạt mai dương thành thục từ vùng không xử lý sẽ phát tán lây nhiễm sang vùng đã xử lý.

Phải làm liên tục tối thiểu trong 3 năm vì những nơi đã xử lý diệt trừ cây mai dương lần 1 và 2, sau 3 - 4 tháng hạt mai dương tồn ẩn trong đất sẽ vẫn có thể nảy mầm và phát triển lứa quần thể mới...

Lê An (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem