Quanh năm phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, làm gì để giảm tình trạng "ăn đong", tăng hiệu quả chăn nuôi?

Minh Huệ Thứ năm, ngày 27/10/2022 12:54 PM (GMT+7)
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo lợi nhuận, các chuyên gia khẳng định, phải giảm chi phí chăn nuôi với các giải pháp đồng bộ...
Bình luận 0

9 tháng chi tới gần 4,07 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.

Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.

Quanh năm phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, làm gì để giảm tình trạng "ăn đong", tăng hiệu quả chăn nuôi? - Ảnh 1.

Sáng 28/10, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả". Ảnh: Việt Anh

Về phía các doanh nghiệp, do phải lệ thuộc vào nhập khẩu nên bị động trong sản xuất, tốn kém thêm nhiều chi phí logistic, buộc phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ.

Lí giải về việc "quanh năm" phải đi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi lợn và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, với khoảng từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm do Bộ NNPTNT, các Hiệp hội, tổ chức, các diễn giả, chuyên gia đều khẳng định lời giải cho bài toán này chính là từng bước chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, tận dụng tốt nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực nhập khẩu về thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cân đối khẩu phần ăn cho chăn nuôi tối ưu nhất; sử dụng chất phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn; quản trị tốt nguyên liệu, giảm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi...

Đối với các cơ sở chăn nuôi, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi. Tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…

Để giúp bà con nông dân và người chăn nuôi có câu trả lời cụ thể về vấn đề này, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả".

Buổi tọa đàm sẽ diễn ra vào lúc 9h00, ngày 28/10/2022, tại Trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và được tường thuật trực tiếp trên báo điện tử Dân Việt (danviet.vn), livestream trên Fanpage danviet.vn.

Ngay từ bây giờ, Quý độc giả và bà con nông dân có thể gửi câu hỏi về cho Ban Tổ chức tại địa chỉ: hueeconomic@gmail.com, hoặc gọi điện đến Đường dây nóng của Báo: 0857.835666.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem