Xuất khẩu 6,37 triệu con cá cảnh, ngành thủy sản TP.HCM đặt mục tiêu đột phá

Trần Cửu Long Thứ ba, ngày 25/10/2022 16:12 PM (GMT+7)
Tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp; tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, HTX, làng nghề nuôi trồng thủy sản... là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp TP.HCM chú trọng.
Bình luận 0

Đặt mục tiêu xuất khẩu cá cảnh 100 triệu USD 

Sở NNPTNT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu là tổ chức lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản… Trong đó, thành phố đặt mục tiêu xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, ngành nuôi cá cảnh ở thành phố phải sản xuất được 300 triệu con cá cảnh vào năm 2030.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tập trung nuôi cá cảnh ở địa bàn các huyện: Củ Chi, Bình Chánh với các hình thức nuôi trong hồ, bể chiếm 30 - 40% với các loại cá như: Cá dĩa, cá ông tiên, cá neon… Còn lại diện tích nuôi trong ao chiếm 60 - 70%, gồm: Cá chép, cá bảy màu, cá hòa lan, cá hồng kim.

Tiếp sức để HTX, ngành thủy sản đột phá  - Ảnh 1.

Nông dân Bình Chánh nuôi cá cảnh. Ảnh: Trần Đáng

Tiếp sức để HTX, ngành thủy sản đột phá  - Ảnh 2.

Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu cá cảnh, TP.HCM sẽ cũng cố tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp, như hội, chi hội cá cảnh. Tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, HTX, làng nghề trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã xuất khẩu cá cảnh được 6,37 triệu con, kim ngạch xuất khẩu 6,96 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu chiếm 55,79%, châu Á 27,42%, châu Mỹ 14,31%.

Cùng với việc đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD cá cảnh, ngành nông nghiệp TP.HCM sẽ nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn lên 1.000ha vào năm 2030. Trong đó, công trình phụ trợ gồm: Ao cấp nước, ao chứa nước thải chiếm 60 - 80% tổng diện tích. Tập trung nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Cần Giờ.

Ông Võ Phương Tùng - Phó trạm trưởng Trạm Thủy sản Nhà Bè - Cần Giờ cho rằng, việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao ở TP.HCM lên 1.000ha vào năm 2030 hoàn toàn khả thi. Đặc biệt, các HTX là nơi tiếp cận tốt ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, trong diện tích 1.000ha nuôi tôm công nghệ cao này, chiếm ¾ là các công trình phụ trợ. 

"Hiện, diện tích nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ khoảng 200ha, nên mục tiêu 1.000ha nuôi tôm công nghệ cao vào năm 2030 là khả thi"- ông Tùng chia sẻ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ HTX phát triển thủy sản

Nhằm phát triển ngành thủy sản trên địa bàn, TP.HCM sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, nông hộ, như: Gia hóa, chọn các loại giống nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng đáp ứng nhu cầu giống đạt chất lượng cao, sạch bệnh cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng, sản lượng đủ đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho sản phẩm thủy sản; áp dụng rộng rãi sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cấp mã số nhận diện ao nuôi; khuyến khích tạo cơ chế ưu tiên cho các cơ sở có mã số nhận diện ao nuôi khi xuất bán cho các chợ đầu mối nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP)…

Cùng với đó, thành phố sẽ nghiên cứu, chuyển giao mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem