Quốc gia thứ hai thế giới công nhận Bitcoin
Tiếp sau El Salvador, Cộng hòa Trung Phi (CAR) đã trở thành quốc gia thứ hai áp dụng Bitcoin như một loại tiền tệ chính thức.
Quyết định mạo hiểm trên đã được Quốc hội CAR thông qua và Tổng thống Faustin Archange Touadéra ký ban hành. Luật có tên gọi "Quản lý tiền điện tử ở Cộng hòa Trung Phi".
Nội dung của luật mới bao gồm việc sử dụng tiền điện tử và những người sử dụng loại tiền này trong thương mại trực tuyến, "hợp đồng thông minh bằng công nghệ Blockchain" và mọi giao dịch điện tử.
Ngoài ra, luật mới cũng quy định rõ các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ không phải chịu thuế ở Cộng hòa Trung Phi - theo The Verge.
CAR là quốc gia kém phát triển thứ hai trên thế giới, theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc. Cùng với việc hợp pháp hóa tiền điện tử, họ còn sử dụng franc CFA làm đồng tiền tham chiếu. Quyết định của CAR được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng đối với nền kinh tế số tại một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, song giàu tài nguyên kim cương, vàng và uranium.
Gourna Zacko, bộ trưởng nền kinh tế kỹ thuật số, cho biết: “Với tiền điện tử, không còn sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương. Bạn có tiền của mình, bạn gửi một nhà đầu tư cho một doanh nghiệp, bạn nhận được nó bằng bất kỳ loại tiền nào, bạn có thể định đoạt nó bằng USD, Euro, CFA hoặc Naira”.
Ngày 7/9/2021, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận bitcoin dưới dạng đấu thầu hợp pháp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngay lập tức cảnh báo đây là một quyết định nguy hiểm đối với “sự ổn định tài chính, toàn vẹn tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.”
Các nhân vật đối lập tại CAR cho rằng động thái vừa đề cập chỉ nhằm làm giảm hoạt động sử dụng đồng franc CFA. Cộng hòa Trung Phi là một trong 6 quốc gia ở khu vực Trung Phi sử dụng chung đồng franc CFA - một loại tiền tệ khu vực được hỗ trợ bởi Pháp và được neo vào đồng euro. Năm thành viên còn lại là Cameroon, Chad, Cộng hòa Congo, Gabon và Guinea Xích đạo.
Cộng hòa Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột dân sự kéo dài 9 năm và có một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khai thác khoáng sản, phần lớn trong số đó là phi chính thức.
Bitcoin là loại tài sản ảo có sự biến động giá trị rất lớn trong thời gian qua. Chẳng hạn, năm ngoái giá Bitcoin đã tăng hơn 150% lên mức kỷ lục 68.991 USD/Bitcoin, trước khi giảm hơn 30%.
Giá trị của đồng tiền này cũng liên tục "nhảy múa" trong năm 2022 khi giảm 17% vào tháng 2 nhưng tăng lần lượt 8% và 10% vào tháng 3 và tháng 4.