Quy hoạch đô thị sông Hồng: Vai trò giao thông của đồ án mờ nhạt

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 13/05/2022 18:36 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò về giao thông của đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng còn mờ nhạt, đặc biệt là giao thông thủy. Khi các cầu vượt sông được xây dựng thì sẽ tương tác với giao thông thủy như thế nào
Bình luận 0

Giải quyết được "bài toán" ùn tắc giao thông

UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch đô thị sông Hồng với tổng diện tích 10.996,16ha. Trong đó, quỹ đất dành cho giao thông (từ cầu Hồng Hà - cầu Mễ Sở) chiếm 532,16ha, tính đến đường cấp khu vực.

Đường bộ kết nối chính Phân khu với bên ngoài gồm hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng sẽ được xây dựng mới là: Trục bờ hữu Hồng, từ cầu Hồng Hà - cầu Thanh Trì; và trục bờ tả Hồng từ cầu Thượng Cát - đê Tả Hồng - cầu Vĩnh Tuy - cầu Thanh Trì.

Các tuyến đường chính đô thị khác gồm các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô: đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái. Đường đô thị kết nối phân khu được xác định sẽ có quy mô từ 4 - 10 làn xe, đường trục chính, liên khu vực quy mô từ 6 - 8 làn xe.

Một số tuyến đường chính Phân khu đô thị sông Hồng được xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như: đê tả Hồng, đê hữu Hồng đoạn Liên Mạc - Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì… quy mô từ 2 - 4 làn xe. Đường nội bộ Phân khu được nghiên cứu với quy mô 2 làn xe. Một số đoạn tuyến qua khu vực dân cư làng xóm hiện có, có thể nghiên cứu giảm cục bộ vỉa hè.

Phân khu đô thị sông Hồng sẽ được xây dựng mới 6 cầu vượt sông gồm: cầu Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở. Ngoài ra xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng. Việc xây dựng các cầu mới sẽ giảm tải cho giao thông nội đô, đồng thời kết nối phát triển quỹ đất dọc ven 2 bờ sông Hồng.

Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng là phương án giảm tải "gánh nặng" giao thông cho Hà Nội (Ảnh minh họa)

Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng là phương án giảm tải "gánh nặng" giao thông cho Hà Nội (Ảnh: Thanh Tùng)

Phân khu sẽ bố trí khoảng 72ha đất để làm bãi đỗ xe công cộng, đảm bảo bán kính phục vụ trong phạm vi từ 400 - 500m, tiếp giáp với khu vực làng xóm hiện có, khu vực đông dân cư.

Quá trình triển khai tiếp theo cho phép nghiên cứu bổ sung bố trí bãi đỗ xe cao tầng hoặc ngầm trong điều kiện cho phép. Nghiên cứu bãi đỗ xe kết hợp trong các khu đất cây xanh, công cộng, đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu diện tích đỗ xe.

Đặc biệt, tại các bãi đỗ xe công cộng cho phép bố trí kết hợp các tiện ích đô thị như: trạm nạp điện cho phương tiện, nhà vệ sinh công cộng, điểm tập kết rác thải sinh hoạt, trạm xăng…. Vị trí, hình thức, quy mô, các tiện ích đô thị kết hợp của các bãi đỗ xe tập trung sẽ được xác định chính xác trong các đồ án quy hoạch ở các giai đoạn tiếp sau hoặc theo dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

 Vai trò giao thông trong đồ ánh quy hoạch đô thị sông Hồng khá mờ nhạt

Phân khu đô thị sông Hồng trải dài trên địa bàn 55 phường, xã, thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dự báo quy mô dân số Phân khu đến năm 2030 là 300.000 người.

Khu vực 2 bên bờ sông hồng được quy hoạch tạo ra kích thích tăng trưởng kinh tế

Khu vực 2 bên bờ sông hồng được quy hoạch tạo ra kích thích tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Nguyễn Thái)

Đánh giá cao đồ án quy hoạch sông Hồng, ông Nguyễn Bảo Tùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kỳ vọng: "Chủ trương này rất tốt để giải quyết ách tắc cho người dân. Hơn nữa, việc quy hoạch 2 bên sông Hồng lại sẽ rất đẹp, người dân được thụ hưởng nhiều hơn. Đường sá ở đây được làm lâu rồi, nhỏ, xuống cấp, ách tắc nên xây cầu sẽ thuận tiện cho người dân hơn, giúp ích cho việc kết nối các tỉnh thành được nhanh hơn".

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Văn Hồng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: "Đây là điểm nhấn rất lớn. Khi có thêm cầu sẽ bảo đảm lưu thông giao thông, bà con thông thương. Các ngành nghề từ du lịch, dịch vụ sẽ phát triển khơi dậy vị thế phát triển. Nhân dân đang mong chờ".

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng việc quy hoạch đô thị Sông Hồng sẽ phát triển các mặt từ hạ tầng giao thông, giao thương, dịch vụ và xã hội một cách đồng bộ. Điều này sẽ tạo ra kích thích tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó, việc xây dựng đồng bộ sẽ tạo ra sự tăng trưởng tới các vùng lân cận khi hệ thống giao thông, liên kết vùng phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội nhận định về các khía cạnh, vai trò của sông Hồng ở Hà Nội với các giá trị tổng hợp thì đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng chưa đầy đủ, chi tiết. Vấn đề quan trọng nhất là hiện trạng, giá trị thực tại của sông Hồng hiện nay ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân vẫn chưa được đánh giá cụ thể. 

Ngoài ra, KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng: "Vai trò về giao thông của đồ án còn mờ nhạt, đặc biệt là giao thông thủy. Khi các cầu vượt sông được xây dựng thì sẽ tương tác với giao thông thủy như thế nào hay giao thông thủy tương tác với giao thông đường bộ ra sao vẫn chưa được đề cập chi tiết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem