Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Khi nào mới đồng bộ?

Trường Giang Thứ hai, ngày 01/07/2019 06:00 AM (GMT+7)
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đồng thời, khắc phục tình trạng giao, cho thuê đất tràn lan gây lãng phí.
Bình luận 0

Một số dự án chồng lấn quy hoạch

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được từng bước hoàn thiện bổ sung và được cụ thể hóa tại 17 điều trong Luật Đất đai năm 2013. Các quy định về công tác này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng như: Hoàn thành việc lập và điều chỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

img

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn rất nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi cho phù hợp.  Ảnh: T.G

Trong Tờ trình của Chính phủ vừa gửi Quốc hội vào giữa tháng 3/2019 về việc đề nghị rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Chính phủ cho biết, nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, trong đó có quy hoạch sử dụng đất và giao Bộ TNMT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, trình Chính phủ sau năm 2020.

Kết quả triển khai cho thấy, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Những tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản, hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến... tạo nên áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh. Nhiều nơi lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư chưa phù hợp nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị chưa quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư; suất đầu tư chưa đa dạng, diện tích lô đất chưa phù hợp với điều kiện của người dân, nhất là vùng nông thôn.

Ngoài ra, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai loại đất, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý. Một số quy hoạch sử dụng đất đã công bố nhiều năm, nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần diện tích ít quan tâm điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh đơn thư khiếu nại, kiến nghị. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sâu rộng, tính minh bạch trong thực hiện quy hoạch tại một số địa phương không cao; có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng, công viên cây canh, cách ly sang đất thương mại, đất ở nhưng không kịp thời điều chỉnh phương án giá đất, nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích gia tăng, gây thất thu ngân sách Nhà nước và làm phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan đô thị…

Mặt khác, việc công khai quy hoạch theo quy định đã được thực hiện, nhưng người dân khi xem các bản đồ còn khó hiểu, chưa kể mối quan hệ phối hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch đất quốc phòng, an ninh vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ, thống nhất. Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Nhiều dự án không phù hợp với thực tế

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, công tác quy hoạch đất đai còn nhiều bất cập thể hiện ở hàng loạt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất không được lấp đầy, hàng loạt dự án đô thị, cụm đô thị treo, chậm triển khai trong thời gian rất dài mà ở địa phương nào cũng có. Hàng chục vạn ha đất của các dự án treo, chậm triển khai, triển khai không đồng bộ...

Bên cạnh đó, các dự án quy hoạch không phù hợp thực tế, phải liên tục điều chỉnh, dẫn đến nhiều dự án phải chờ đợi điều chỉnh, thu hồi. Đặc biệt, việc cấp phép cho các chủ đầu tư một cách ồ ạt chiều theo tâm lý đầu tư đám đông, trong đó không loại trừ lợi ích nhóm trong đầu tư dự án sử dụng đất, có trường hợp đúng quy hoạch nhưng không đúng thời điểm, có thể phù hợp với quy định, kế hoạch sử dụng đất trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa có...

"Điển hình, hàng loạt dự án khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), khu đô thị phía đông TP.Hải Phòng, Khu đô thị Từ Sơn (Bắc Ninh), Khu đô thị Đồng Nai, nhiều dự án ven biển của Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu..." - ông Hùng nêu.

Được biết, trong Tờ trình của Chính phủ vừa gửi Quốc hội vào giữa tháng 3/2019 về việc đề nghị rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Chính phủ cho biết, nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, trong đó, có quy hoạch sử dụng đất và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem