Rao bán CMND của người khác trên mạng bị xử lý thế nào?

17/05/2021 16:12 GMT+7
Tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh thư, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,… của cá nhân trên mạng máy tính mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị phạt tù đến 07 năm.

Hàng nghìn CMND người Việt bị rao bán trên diễn đàn hacker

Hôm 13/5, thành viên Ox1337xO trên một diễn đàn hacker đã đăng tải 17 GB dữ liệu chụp ảnh chứng minh nhân dân (CMND) của hàng nghìn người Việt và rao bán với giá 9.000 USD (khoảng gần 207,5 triệu đồng), với khoản thanh toán tiền điện tử được thực hiện qua Bitcoin hoặc Litecoin. Để chứng minh, người này đã chia sẻ một số ảnh chụp màn hình bao gồm một số giấy tờ, sổ hộ khẩu của người Việt Nam. Thậm chí, bên bán sẵn sàng chọn một đơn vị trung gian cho các giao dịch nếu bên mua cảm thấy nghi ngờ.

Rao bán CMND của người khác trên mạng bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tổng cộng gần 17 GB dung lượng dữ liệu được rao bán.

Ngoài CMND, dữ liệu này còn có cả căn cước công dân (mặt trước và mặt sau), ảnh hay video selfie, cũng như địa chỉ, số điện thoại và email. Dữ liệu này còn có một gói tập tin dung lượng hơn 1,4 GB chứa thông tin của 3,6 nghìn người.

Theo tiết lộ từ bên bán, lượng dữ liệu này tương đương thông tin của khoảng 8.000-10.000 người Việt. Vẫn chưa rõ nguồn gốc việc để lộ dữ liệu như thế nào nhưng nếu dựa vào số lượng này, không loại trừ khả năng nó bắt nguồn từ một tổ chức nào đó và cần phải ngăn chặn. Được biết, các thông tin như CMND tại Việt Nam có thể thu thập được từ nhiều nguồn như khách hàng check-in khách sạn, xác minh tài khoản viễn thông, ngân hàng, cửa hàng điện máy, siêu thị, cửa hàng cầm đồ,… Trong khi đó, nguồn từ các tổ chức tài chính như ngân hàng, tổ chức viễn thông, được bảo mật rất nhiều lớp và mã hóa, tuy nhiên cũng có nguồn được bảo mật lỏng lẻo hoặc không được bảo mật.

Rao bán CMND của người khác trên mạng bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Các dữ liệu được hacker chia ra theo cả thư mục CMND và video.

Nguyên nhân vì các dữ liệu trên CMND chứa nhiều thông tin quan trọng như số CMND, đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, địa chỉ thường trú,… Mặc dù Việt Nam đang chuyển sang sử dụng CCCD nhưng các dữ liệu trong nó cũng dựa vào CMND.

Với các dữ liệu này, kẻ xấu có thể mạo danh nạn nhân để đăng ký các tài khoản trực tuyến, tài khoản viễn thông và thậm chí vay vốn ở tổ chức tài chính có quy trình lỏng lẻo dẫn đến các rắc rối cho họ.

Rao bán CMND của người khác trên mạng bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Rao bán chứng minh thư của người khác trên mạng bị xử lý thế nào?

Chứng minh thư, căn cước công dân hay sổ hộ khẩu là những loại giấy tờ quan trọng của mỗi cá nhân. Do đó, hành vi cung cấp, trao đổi, mua bán thông tin cá nhân hoặc giấy tờ tùy thân của người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức phạt hành chính, tại khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;

Trong đó, quy định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền trên là từ 25 - 35 triệu đồng.

Trường hợp thu lợi từ 50 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của người khác trên mạng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, Điều 288 quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

Theo quy định trên, tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh thư, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,… của cá nhân trên mạng máy tính mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị phạt tù đến 07 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Ngoài ra, Để góp phần ngăn chặn tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân, mới đây Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, nếu tiết lộ thông tin số điện thoại, chứng minh thư, tình trạng hôn nhân, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục… của người khác trái phép thì sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng; nếu vi phạm lần thứ 02 thì bị phạt đến 100 triệu đồng.


An Vũ
Cùng chuyên mục