Rau xanh tăng giá vù vù, thương lái ra tận ruộng tranh nhau mua

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 25/02/2020 15:00 PM (GMT+7)
Tại nhiều vùng trồng rau của các tỉnh phía Bắc, rau được thương lái thu mua tận ruộng với giá cao gấp đôi so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Hải Dương được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu lớn nhất Đồng bằng sông Hồng, với giá rau cao như hiện tại, nhà nào nhà nấy đều hối hả thu hoạch rau để kịp giao cho thương lái.
Bình luận 0

Được giá…nhưng là do “may mắn”

6h30 sáng ngày 25/2, chúng tôi gặp vợ chồng chị Trần Thị Liên, ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc (Hải Dương) khi anh chị có mặt trên cánh đồng của gia đình thu hoạch su hào. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, chưa kịp bắt chuyện thì chị Liên nhanh nhảu nói: “Chắc các anh là phóng viên, từ đợt giá rau tăng nhiều người cũng về đây tìm hiểu thông tin. Sau Tết giá rau tăng gấp 2 lần, nông dân chúng tôi rất phấn khởi”.

img

Ngay từ sáng sớm, vợ chồng chị Trần Thị Liên đã ra đồng thu hoạch su hào. Ảnh: Minh Ngọc

Chị Liên cho biết, vụ đông năm nay, gia đình chị trồng gần 20 sào, chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ. Lý giải về giá rau tăng cao sau Tết, chị Liên chia sẻ: “Dịp Tết, do có mưa lớn và xuất hiện mưa đá nên giá rau tăng cao, gia đình tôi chủ yếu trồng su hào, bắp cải và súp lơ nên không ảnh hưởng nhiều”.

Diện tích trồng rau vụ đông của xã Phạm Trấn chủ yếu là trồng su hào, bắp cải và súp lơ. Hiện tại, theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá các loại rau trên được thương lái thu mua tận ruộng như sau: súp lơ 12.000 đồng/cái, su hào 6.000 đồng/củ, bắp cải 7.000 đồng/kg, rau cải xanh 12.000 đồng/kg.

img

Anh Nguyễn Văn Dũng (chồng chị Liên) chuẩn bị chở su hào đến chợ đầu mối nông sản Hải Dương để đổ buôn. Ảnh: Minh Ngọc.

Theo chị Liên tính toán, với giá rau được thương lái mua tận ruộng như hiện nay, trừ các chi phí, chị Liên đã có lãi 5 triệu đồng/sào su hào, bắp cải và súp lơ 7 triệu đồng/sào.

“Hiện gia đình tôi còn hơn 5 sào bắp cải nữa, dự kiến 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Từ mấy ngày hôm nay thương lái đã tới tận ruộng đặt tiền mua toàn bộ, nhưng tôi chưa đồng ý”.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Gia Lộc cho biết, sau Tết là thời điểm cuối thu hoạch rau vụ đông, người dân thu hoạch hết lứa rau cũ, trồng lứa rau mới, nguyên nhân nữa là do hiện tượng thời tiết cực đoan dịp Tết năm nay nên rau xanh khan hiếm, nông dân “may mắn” được giá cao như hiện nay.

img

Ông Vũ Văn Dũng (xã Phạm Trấn) thức dậy từ sáng sớm để thu hoạch su hào để giao cho thương lái ngay tại bờ ruộng. Ảnh: Minh Ngọc.

Đang cặm cụi chuyển từng bao su hào đã được thu hoạch từ sáng sớm lên ô tô cho thương lái vận chuyển đi, ông Vũ Văn Dũng, ở xã Phạm Trấn hồ hởi nói: “Vụ rau đông năm nay may mắn được giá cao, người nông dân đỡ vất vả hơn, chứ như mọi năm giá bấp bênh lắm anh ạ, có vụ thu hoạch xong còn vứt bỏ rau ngay tại đầu bờ vì giá rẻ quá, lại không ai mua”.

Ông Dũng tiết lộ, với diện tích 10 sào trồng rau của gia đình, trừ các chi phí, vụ đông này ông Dũng để ra được trên 60 triệu đồng.

img

Giá rau sau Tết Nguyên đán tăng cao, giúp nhiều nông dân ở xã Phạm Trấn có thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ảnh: Minh Ngọc.

Xây dựng vùng trồng rau trọng điểm

Đến xã Hồng Hưng không khí hối hả thu hoạch rau, cảnh tấp nập mua, bán giữa người dân và thương lái cũng diễn ra sôi động. Được biết, diện tích trồng rau vụ đông của xã Hồng Hưng hiện đạt 85ha, chủ yếu là bắp cải và các loại rau ăn lá.

img

Quyết định không đổ buôn cho thương lái, bà Đỗ Thị Nam (xã Hồng Hưng) sẽ mang rau cải xanh đến Chợ Đầu mối nông sản Hải Dương để bán lẻ, mong sẽ được giá cao hơn. Ảnh: Minh Ngọc.

Ngay từ sáng sớm, vợ chồng bà Đỗ Thị Nam, xã Hồng Hưng phải nhờ người em dâu cùng ra đồng thu hoạch rau cho kịp giờ chợ buổi sáng. Bà Nam cho biết, diện tích 10 sào của gia đình bà chủ yếu trồng rau cải xanh, cải xanh được thương lái thu mua tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg.

img

img

Bà Nam phải nhờ em dâu ra đồng cùng thu hoạch rau cải xanh cho kịp giờ chợ sáng. Ảnh: Minh Ngọc.

“Nhà tôi gần chợ đầu mối nông sản Hải Dương nên sáng nay cả nhà dậy sớm thu hoạch rau cải xanh, nếu mang ra chợ cân lẻ cũng được 12.000 đồng/kg, nên nhiều thương lái hỏi mua mà tôi không bán”, bà Nam cho hay.

Bà Nam cho biết thêm, giá rau cải xanh trước Tết Nguyên đán chỉ từ 6.000-7.000đ/kg, “giá rẻ quá, thu hoạch hết vụ này tôi định chuyển sang trồng loại rau khác, ấy vậy may mắn thế nào giá rau lại tăng gấp đôi”, bà Nam cười tươi-chia sẻ với PV.

Ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm, sản lượng rau của huyện sau khi được thu hoạch hầu như chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận nên gần như không bị ảnh hưởng từ việc đóng cửa khẩu xuất hàng nông sản sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.

“Hiện nay chủ trương của huyện là quy hoạch, xây dựng vùng trồng rau trọng điểm tại các xã Phạm Trấn, Hồng Hưng, Gia Xuyên, Gia Tân,…Trong đó, tập trung tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng trồng rau chuyên canh chất lượng cao, bên cạnh đó phát triển kinh tế HTX sản xuất rau màu để vừa sản xuất, vừa thu mua cho bà con”, ông Tùng khẳng định.

“Giá rau cao như hiện nay đều là do quy luật cung cầu, điều cần thiết và quan trọng nhất vẫn là phải quy hoạch, xây dựng vùng trồng rau trọng điểm, tích tụ ruộng đất, đưa các giống rau phù hợp, chất lượng cao vào trồng, ngoài ra phải mở rộng phát triển các HTX trồng rau màu, từ đó các HTX sẽ trực tiếp hỗ trợ giống, kỹ thuật, vận hành sản xuất và thu mua cho bà con, như vậy sẽ bền vững hơn, tránh cảnh được mùa mất giá hoặc mất giá được mùa”, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng NNPTNN huyện Gia Lộc chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem