Sacombank 5 năm xử lý trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu: Tiết lộ của người trong cuộc
6 tháng đầu năm 2022, Sacombank báo lãi trước thuế hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
Đặc biệt, Sacombank đã xử lý hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%.
Như vậy, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, nợ xấu của Sacombank lên tới 96.000 tỷ đồng, song chỉ sau 5 năm, Sacombank đã xử lý được trên 76.000 tỷ đồng.
4 bài học tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Chia sẻ về bài học tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank, đầu tiên cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém đó, từ cơ cấu chủ sở hữu, đến quản trị, điều hành đến nợ xấu và đến những tài sản tồn đọng trong kinh doanh, phải xác định nhanh, và đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời.
"Trên cơ sở đó, chúng ta phải có công ty tư vấn kiểm toán tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng. Từ đó, chúng ta báo cáo rõ ràng thực trạng với cơ quan chủ quản để đảm bảo tính chính xác rồi từ đó xác định phương hướng làm sao để tái cấu trúc phù hợp, chúng ta không lấp lửng cũng không giấu diếm", bà Diễm nhấn mạnh.
Thứ hai, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải khẩn trương, kịp thời. Bởi, càng kéo dài thì có hệ lụy của nền kinh tế rất lớn và tránh tình trạng chuyển biến xấu hơn và gặp nhiều khó khăn hơn cho cả ngành chứ không phải cho riêng ngân hàng yếu kém đó.
Thứ ba, như bài học của Sacombank đó là nên ưu tiên nguồn lực kinh tế tư nhân thay vì tập trung vào ngân sách nhà nước. Thông qua việc khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng tốt với ngân hàng xấu và Chính phủ, NHNN đứng ra hỗ trợ với cơ chế đi kèm, tạo điều kiện để ngân hàng yếu kém từng bước hoàn thiện và gia nhập, dựa trên sự dẫn dắt của một ngân hàng mạnh.
Đồng thời có sự phối kết hợp nhịp nhàng từ các cơ quan trung ương đến các bộ ngành, đến NHNN, cho cơ chế thông thoáng.
"Nếu Sacombank không được phê duyệt đề án từ Chính phủ đến NHNN thì chắc chắn chúng tôi không có hành lang pháp lý để tái cơ cấu thành công", bà Diễm nhấn mạnh.
Thứ tư, bà cho rằng rất quan trọng là tổ chức, cá nhân tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì phải có nguồn lực tài chính, không có nguồn lực rất khó và cần phải hợp pháp.
Đối với Hội đồng quản trị, Ban điều hành phải có trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, có năng lực, có tâm và phải có tầm, đặc biệt phải quản trị ngân hàng theo hướng công khai, minh bạch và thượng tôn mọi hoạt động của pháp luật. Bộ máy phải tinh gọn.
"Với đà này thì giữa năm 2023, chúng tôi có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công. Chúng tôi xin được báo cáo thành tích với NHNN và Thủ tướng. Đó là những bài học mà các ngân hàng cũng như NHNN sẽ thấy chúng tôi là tấm gương để tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém", Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ.
Doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng hạn hẹp
Đề cập về sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Tổng Giám đốc Sacombank nghĩ rằng quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định.
Vì vậy, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm việc khơi thông dòng vốn của lĩnh vực bất động sản là cần thiết, đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời. Bởi nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó phát triển.