Sai phạm tại dự án 17 Phạm Hùng: Giám đốc hai Sở ở Hà Nội phải rút kinh nghiệm

Trần Kháng Thứ hai, ngày 19/11/2018 14:35 PM (GMT+7)
Bên cạnh những sai phạm như không trung thực, không chính xác, khai khống vốn điều lệ… liên danh chủ đầu tư dự án “đất vàng” 17 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thanh tra TP kiến nghị UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Bình luận 0

Vừa qua, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành Kết luận số 5126/KL-TTTP về những sai phạm trong việc góp vốn đầu tư Dự án bất động sản (City of Dream) tại khu đất số 17 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Khu đất này có nguồn gốc là đất do UBND TP giao cho Công ty Interserco thuê để làm Điểm thông quan nội địa TP Hà Nội.

Chưa được chấp thuận đầu tư

Theo Thanh tra TP, từ năm 2011, Interserco đã liên danh với Công ty AZ báo cáo đề xuất UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư dự án văn phòng thương mại và nhà ở cao cấp tại 17 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm (Dự án City of Dream).

img

Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án City of Dream 17 Phạm Hùng. (ảnh T. Kháng)

Đến năm 2016, trên cơ sở đề xuất của Interserco, Công ty AZ và của sở Tài chính; ngày 15.6.2016, UBND TP có Văn bản số 3580/UBND-KT cho phép Công ty Inteserco cùng đối tác là Công ty AZ và bà Tạ Thị Thùy Trang (hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Vimediland để thực hiện Dự án City of Dream tại khu đất số 17 đường Phạm Hùng.

Sau khi được cấp Đăng ký doanh nghiệp, Vimediland đã thực hiện một số nội dung liên quan đến dự án, cụ thể: thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế ý tưởng quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đo vẽ bản đồ hiện trạng, khảo sát địa chất, thiết kế bản vẽ thi công, cấp phép quy hoạch, chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; chấp thuận của các đơn vị chuyên ngành về cấp điện, nước.

Đến nay, dự án chưa được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Diện tích khu đất vẫn do Interserco quản lý, sử dụng.

Không góp vốn theo cam kết

Bên cạnh đó, theo kết luận thanh tra TP Hà Nội, Vimediland và các cổ đông của công ty này có một số sai phạm trong việc góp vốn đầu tư tại Dự án Dự án City of Dream. Cụ thể, Vimediland mới chỉ góp 147,9 tỷ đồng trên 290 tỷ đồng vốn điều lệ đã đăng ký (do bà tạ Thị Thùy Trang nộp), nhưng tại báo cáo trong hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần 1 và lần 2 thể hiện đã có 290 tỷ đồng là không trung thực, không chính xác, khai khống vốn điều lệ, vi phạm điều cấm được quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 17 Luật Doanh nghiệp.

img

Dự án City of Dream có vị trí "đất vàng", đối diện Bến xe Mỹ Đình. (ảnh T.Kháng)

Tiếp đó, Interserco và Công ty AZ đã không góp vốn theo cam kết là không thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 3580/UBND-KT ngày 15.6.2016; vi phạm khoản 1, Điều 112 Luật Doanh nghiệp.

Cổ đông còn lại là Bà Tạ Thị Thùy Trang: đã góp vốn theo cam kết nhưng chậm 67 ngày; vi phạm khoản 1, Điều 112 Luật Doanh nghiệp; cho đến nay, không có hồ sơ thể hiện tên bà Tạ Thị Thùy Trang đã thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho Công ty Interserco theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 3580/UBND-KT ngày 15.6.2016.

Ngoài ra, Công ty AZ và bà Tạ Thị Thùy Trang ký Hợp đồng số 02/HĐCN-Vimediland ngày 12.7.2016, trong đó Công ty AZ chuyển nhượng cho bà Tạ Thị Thùy trang 6.090.000 cổ phần, tương đương 60.900.000.000 đồng, tương ứng 21% vốn điều lệ của Công ty Vimediland là trái quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 112 Luật Doanh nghiệp, quy định: “a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác”. 

img

Khung cảnh nhếch nhách quanh dự án. (ảnh T.Kháng)

Nghiêm trọng hơn, Công ty AZ đã báo cáo không trung thực, không chính xác về nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Cụ thể, trong Báo cáo tài chính Công ty AZ lập và gửi Sở kế hoạch và Đầu tư để làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện.

Dự án thể hiện tại thời điểm 31.12.2010, Công ty AZ có vốn chủ sở hữu hơn 679 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính Công ty AZ nộp tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm 31.12.2010 chỉ hơn 247 tỷ đồng, vi phạm khoản 3, 4 Điều 6, khoản 1 Điều 14 Luật Kế toán 2003.

Hai Giám đốc Sở phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm

Theo Thanh tra TP Hà Nội, đến nay, mặc dù chưa góp đủ vốn để đầu tư Dự án, Interserco và Công ty AZ lại có văn bản đề nghị UBND TP chấp thuận cho 2 doanh nghiệp này góp vốn  thành lập pháp nhân mới để thay thế pháp nhân trước đây là Vimediland để tiếp tục kế thừa, tiến hành thực hiện dự án đầu tư tại số 17 đường Phạm Hùng là việc làm chậm tiến độ thực hiện Dự án, gây phức tạp cho việc quản lý của UBND TP. 

img

Một phần diện tích lô đất được sử dụng cho thuê làm showroom ô tô. (ảnh T.Kháng)

Về việc để ra sai phạm trên, Thanh tra TP đã nêu rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức thuộc các sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính. 

Cụ thể, dù đã biết Công ty Interserco, Công ty AZ không thực hiện đúng đề nghị đã được UBND TP cho phép nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư không có biện pháp khắc phục, ngược lại có văn bản đề xuất cho hai công ty trên thành lập pháp nhân mới. 

"Đề xuất này là vội vàng, không thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý đầu tư của Thành phố; gây phức tạp tình hình, tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp. Trách nhiệm thuộc cán bộ, công chức phòng Đăng ký kinh doanh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư", kết luận nêu rõ.

Trước hàng loạt sai phạm trên, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính tổ chức rút kinh nghiệm đối với thiếu sót đã nêu ở phần kết luận; Có văn bản phê bình Sở Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đồng thời, giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm như đã kết luận ở phần trên; Đề xuất hướng xử lý đối với Dự án City of Dream đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả trong sử dụng đất, tránh khiếu kiện phức tạp.

Interserco được thành lập từ năm 1980 với ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ logistics, cung ứng và quản lý nguồn lao động, kinh doanh Cảng Thông quan nội địa (ICD) Mỹ Đình. Trong đó, xuất khẩu lao động là hoạt động truyền thống của Interserco.

Phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Interserco diễn ra vào tháng 6.2016 với kết quả toàn bộ gần 10 triệu cổ phần đã được phân phối thành công cho 21 nhà đầu tư. Giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được đánh giá không phản ánh quyền sử dụng đất của Interserco.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối năm 2014, giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước của Interserco lần lượt đạt 528 tỷ đồng và 358 tỷ đồng.

Giá trị quyền sử dụng đất 2 khu đất (hơn 47.000 m2 số 17 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và 21.000 m2 tại Cụm 4, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mà Interserco nắm giữ được xác định bằng 0 (không đóng góp vào giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn nhà nước tại Interserco).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem