Sân khấu kịch: Tắt đèn không do khán giả

Thanh Hà Thứ năm, ngày 05/11/2015 08:20 AM (GMT+7)
Không chỉ các nhà hát, sân khấu ngoài Bắc đang mong đỏ đèn từng ngày, ngay cả các đơn vị xã hội hóa, các sân khấu trong Nam cũng lâm vào tình cảnh bi đát. Thậm chí, nhiều sân khấu trong Nam đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Bình luận 0

Nam- Bắc gặp khó như nhau

Đã có giai đoạn các sân khấu kịch ngoài Bắc “thèm thuồng” nhìn các sân khấu trong Nam nườm nượp khán giả đến xem. Thậm chí, có những sân khấu như sân khấu kịch Phú Nhuận luôn trong tình trạng chật kín chỗ ngồi, kín ngày trong tuần với các vở “Người vợ ma”, “Quả tim máu”. Cùng thời điểm, sân khấu kịch Idecaf (Công ty TNHH Sân khấu giải trí Thái Dương) cũng bán vé rất chạy, nếu khách hàng không đặt vé trước thì không còn vé để mua. Nhưng giờ đây, các sân khấu đó đều lâm vào tình trạng bi đát.

img

Vở kịch “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch Việt Nam được diễn tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, được diễn vào tháng 6, tại TP.Thanh Hóa. Ảnh:  Thanh Hà

Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân đang ở trong thế cầm cự, nếu đóng cửa thì các nghệ sĩ không biết đi về đâu mà tiếp tục thì không biết lấy đâu kinh phí để duy trì. Trong khi đó, kịch Idecaf doanh thu cũng giảm tới 50% mỗi đêm. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu giải trí Thái Dương chia sẻ, vài năm trở lại đây, kịch Idecaf duy trì được là nhờ chương trình “Ngày xửa ngày xưa”, lấy lãi từ đây để bù lỗ cho các vở diễn. Đây cũng là tình trạng chung với các sân khấu kịch phía Bắc.

Với Nhà hát Kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát cho biết: “Bao năm nay, chúng tôi không có địa điểm để diễn nên nhiều vở kịch đã dựng nhưng không thể diễn thường xuyên. Nhà hát kịch từng có địa điểm là Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng sau đó bị thu hồi, trong khi sân khấu tại Nhà hát Kịch Việt Nam quá nhỏ, sức chứa chưa đến 400 chỗ ngồi, mỗi tối bán hết vé cũng chỉ thu về 10 triệu đồng. Con số này rõ ràng khiêm tốn, không đủ bồi dưỡng cho diễn viên, chứ đừng nói êkíp đằng sau như âm thanh, ánh sáng, họa sĩ…”.

Còn ông Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì than thở, khó khăn  lớn nhất của nhà hát là những vở kịch kinh điển, lịch sử thường không bán được vé, ít khán giả đến xem. Thêm vào đó, các sân khấu kịch còn đang khủng hoảng về diễn viên. Sân khấu đang thiếu vắng dần những gương mặt tài năng, thiếu vắng những diễn viên thực sự giỏi nghề để có thể diễn những vở tâm lý, chính kịch, lịch sử.

Buốt lòng với  2,4 triệu đồng/tháng

Bên cạnh nỗi buồn chung thì các nghệ sĩ sân khấu đang gặp phải vấn đề khá sát sườn với cuộc sống của họ, đó là thu nhập thấp với mức thù lao 200.000 đồng/ người/đêm diễn và 80.000 đồng/ buổi tập/người.

“Với mức bồi dưỡng hiện nay, cao nhất là 80.000 đồng một buổi và trong một tháng tính ra một diễn viên có thu nhập là 2.400.000 đồng mà tập liên tục, quần quật trong 2 giờ đồng hồ với những vở kịch kinh điển, lịch sử thì điều đó khó mà mang lại tình yêu, niềm đam mê với nghề diễn khi đằng sau họ còn cả gia đình mà họ phải gồng gánh” - ông Trương Nhuận cho hay.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho biết: “Sân khấu hiện nay quá nhiều các vở kịch hài, thậm chí là hài nhảm, đặc biệt là trong Nam và có một thời kịch miền Bắc cũng bắt chước miền Nam với nhiều tiểu phẩm hài, chùm hài hịch... Kiểu như một người nào đó dắt chó đi vệ sinh bậy ngoài đường, thấy cảnh bác sĩ nhận phong bì, cô nhân văn phòng õng ẹo, đong đưa sếp… Đây là điều  công chúng đã bắt gặp hàng ngày ngoài đời sống và một lần nữa họ lại phải tiếp tục chứng kiến hình ảnh đó trên sân khấu sẽ khiến họ cảm thấy nhàm chán”.

Theo nhà biên kịch Lê Quý Hiền, điều đáng buồn hơn nữa là trên sân khấu, diễn viên không buồn thuộc lời, toàn nhớ ý rồi… phiêu. Đạo diễn thì làm “mì ăn liền”, một vở kịch dựng chỉ trong vòng 10 đến 20 ngày. Trong khi với các vở kịch trên thế giới, như ở Nga  dựng ít nhất là nửa năm. Đấy là chưa kể tại các cuộc thi, hội diễn, liên hoan có đạo diễn một mình dựng đến 5- 6 vở kịch.

“Vậy thử hỏi, vở kịch đó có hay không? Không thể trách khán giả, vì sao quay lưng với sân khấu. Tôi nghĩ người làm tắt đèn sân khấu, “phá” sân khấu chính là những người làm sân khấu”- ông Lê Quý Hiền nhận xét thẳng thắn. 

PGS -TS Nguyễn Thị Minh Thái: Chưa trả lời được vấn đề của cuộc sống

Sự khủng hoảng này xuất phát từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 bởi không tìm thấy sự đồng điệu. Tôi không tìm thấy hình bóng cuộc sống của tôi trên sân khấu. Sân khấu đã không trả lời những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho tôi. Trong khi bản chất của sân khấu là đối thoại, dường như nó đang xa lánh các cuộc đối thoại và điều đó cho thấy sân khấu đang “tự vẫn” trước khi khán giả “giết” sân khấu. Tôi cho là cần phải dựng kịch kinh điển để khán giả thiết tha và trở lại với sân khấu.

Nghệ sĩ Minh Béo- Trưởng đoàn sân khấu Sao Minh Béo: Chấp nhận bù lỗ để tạo niềm tin

Tôi vẫn có niềm tin sân khấu sẽ không chết bởi sân khấu là loại hình nghệ thuật đã ăn sâu vào máu thịt của công chúng. Sân khấu Sao Minh Béo đã ra đời 2 năm và luôn phải bỏ tiền túi để bù lỗ. Nhưng tôi sẽ vẫn làm, có nhiều đêm diễn chỉ có vài khán giả đến xem, nhưng chúng tôi vẫn diễn. Đó là những khán giả thật sự yêu sân khấu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo nét riêng bằng cách tổ chức những đêm diễn từ thiện.

Huy Hoàng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem